Sản phẩm » Giới thiệu sách
Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông dân tộc nội trú về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc
Thứ Sáu, 01/11/2024 | 14:22
Số lượt xem: 357NXBGDVN- Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoạt động giáo dục khởi nghiệp gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là giáo viên tham gia giảng dạy chủ yếu là kiêm nhiệm, kiến thức và kĩ năng về khởi nghiệp chưa sâu, việc khai thác các giá trị văn hóa ở địa phương còn ít. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ GD-ĐT đã biên soạn Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông dân tộc nội trú về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, trung ương và địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, nhằm giúp các em tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoạt động giáo dục khởi nghiệp gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là giáo viên tham gia giảng dạy chủ yếu là kiêm nhiệm, kiến thức và kĩ năng về khởi nghiệp chưa sâu, việc khai thác các giá trị văn hóa ở địa phương còn ít. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ GD-ĐT đã biên soạn Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông dân tộc nội trú về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc. Tài liệu đã được NXB. Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2024.
Tài liệu tập huấn này gồm có 3 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Một số vấn đề chung về khởi nghiệp và khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc
Trong phần này, các tác giả giúp giáo viên hiểu rõ hơn về khái niệm khởi nghiệp; mục đích, nguyên tắc và quy trình khởi nghiệp; định hướng nghề nghiệp trong khởi nghiệp.
Bên cạnh đó là một số chủ trương, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp như: Luật thanh niên số 57/2020/QH14, Quyết định số 1331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030 và một số văn bản của Bộ GD-ĐT chỉ đạo về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Có rất nhiều hướng để khởi nghiệp dựa trên những giá trị cơ bản của văn hóa dân tộc nhưng các hoạt động này phải đảm bảo tạo ra lợi ích kinh tế, tạo ra giá trị cho xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá giá trị văn hóa dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Chuyên đề 2: Nội dung và hình thức giáo dục khởi nghiệp cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.
Trong phần này, tài liệu đã gợi ý một số nội dung và hình thức giáo dục khởi nghiệp dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.
Các nội dung rất phong phú và đa dạng bao gồm:
- Các hoạt động sản xuất truyền thống với các sản phẩm từ trồng trọt (gạo, cam, vải, thanh long...), chăn nuôi (thịt lợn, thịt dê...), nghề thủ công (thổ cẩm, gốm...). Những sản phẩm này đã được tiêu thụ trên cả nước và xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao.
- Các giá trị văn hóa vật chất truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn về ẩm thực (lợn quay, thắng cố, cơm lam, cá nướng...), trang phục (áo, quần, váy, khăn...), nhà ở (nhà sàn, nhà nghỉ cộng đồng, nhà dài...).
- Các giá trị văn hóa tinh thần (lễ hội truyền thống, dân ca...). Từ những giá trị này, học sinh có thể khởi nghiệp bằng việc tổ chức các sự kiện, các dịch vụ cho lễ hội, các hình thức nghệ thuật biểu diễn dân gian, dịch vụ tham quan, trải nghiệm...
Để giáo dục khởi nghiệp cho học sinh, giáo viên có thể truyền thông thông qua các hình thức như lồng ghép trong chương trình môn học và các hoạt động như thuyết trình, sân khấu hóa, tham quan khảo sát thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn; Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân thực hiện tổ chức các buổi diễn đàn, giao lưu... để truyền cảm hứng khởi nghiệp; Tổ chức cho học sinh thực hành trải nghiệm và kết hợp với các đối tác tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh.
Chuyên đề 3: Thực hành hướng dẫn học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú xây dựng kế hoạch khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.
Trong phần này, tài liệu có đưa ra một số gợi ý để giáo viên có thể giúp học sinh thực hành bằng việc xây dựng bản kế hoạch kinh doanh. Đây là bước khởi đầu quan trọng để học sinh có cái nhìn toàn diện về công việc kinh doanh của mình. Nếu học sinh khai thác theo hướng mô hình làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì cần bản kế hoạch kinh doanh, trong đó nêu lên được ý tưởng về nghề dệt, sứ mệnh của các sản phẩm dệt, mục tiêu của làng nghề, phân tích thị trường tiêu thụ, những đối thủ cạnh tranh, những rủi ro đối với sản phẩm, kế hoạch về chi phí, sản xuất, bán hàng, quảng bá sản phẩm...
Các tác giả cũng đã chọn giới thiệu một số dự án khởi nghiệp đã được thực hiện: Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ trong sấy sản phẩm trà bí- sen tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Dự án bảo tồn và phát triển đặc sắc văn hóa trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc Việt Nam...
Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp ích nhiều cho cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán trường phổ thông dân tộc nội trú trong việc hướng dẫn học sinh khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc.