Sản phẩm » Giới thiệu sách
Phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại các trường đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục
Thứ Năm, 17/04/2025 | 13:46
Số lượt xem: 387NXBGDVN – Đối với lĩnh vực giáo dục nghệ thuật – gồm Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật – bài toán về nguồn nhân lực giảng dạy càng trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách Phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại các trường đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại các trường đại học là nhiệm vụ cấp thiết và xuyên suốt. Đặc biệt, với lĩnh vực giáo dục nghệ thuật – gồm Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật – bài toán về nguồn nhân lực giảng dạy càng trở nên nan giải hơn bao giờ hết.
Thực tế hiện nay, việc thu hút giảng viên cho khối ngành sư phạm nghệ thuật vẫn gặp nhiều rào cản. Một phần do tính chất đặc thù của ngành đòi hỏi năng khiếu thiên bẩm, trình độ chuyên môn cao, và phong thái nghệ sĩ vốn đề cao sự tự do sáng tạo, ít chịu sự bó buộc trong khuôn khổ sư phạm truyền thống. Không ít những tài năng xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp riêng để thỏa mãn đam mê sáng tạo và tìm kiếm mức thu nhập cao hơn. Hệ quả là nhiều cơ sở đào tạo gặp khó trong việc xây dựng và duy trì đội ngũ giảng viên chất lượng, lâu dài.
Đứng trước thực tế này, cuốn sách “Phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại các trường đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, đã ra đời như một tài liệu nghiên cứu và tham khảo quan trọng.
Cuốn sách không chỉ phân tích thấu đáo những cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, mà còn đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật.
Cuốn sách gồm ba chương chính dẫn dắt người đọc đi từ lý luận đến thực tế, và cuối cùng là các giải pháp cụ thể.
Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật trong bối cảnh đổi mới giáo dục
Trong chương này, tác giả hệ thống hóa cơ sở lý luận về việc phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật, đồng thời kế thừa và phát triển từ các công trình nghiên cứu trước đó. Có thể kể đến các luận án tiến sĩ tiêu biểu như: “Phát triển đội ngũ giảng viên múa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của Vũ Dương Dũng, “Phát triển đội ngũ giảng viên đại học khối ngành nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của Mai Thị Thùy Hương, “Phát triển đội ngũ giảng viên Âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay” của chính tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn tham khảo thêm nhiều bài báo khoa học, tổng hợp và chọn lọc các kết quả nghiên cứu đã có để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào những vấn đề chưa được khai thác triệt để.
Chương 2: Cơ sở thực tiễn về phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật
Chương này đi sâu vào khảo sát thực trạng đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại các trường đại học Việt Nam, phân tích về số lượng, độ tuổi, giới tính, chuyên ngành đào tạo, học vị, học hàm... Đồng thời, tác giả đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và các nước châu Âu. Từ đó, sách rút ra nhiều bài học có giá trị thực tiễn, như: Xây dựng chuẩn mực phẩm chất và năng lực nghề nghiệp; Đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng giảng viên phù hợp; Xây dựng chiến lược đào tạo và bồi dưỡng bài bản; Tăng cường kiểm tra, đánh giá năng lực giảng viên;Tạo lập môi trường làm việc thuận lợi cho giảng viên phát triển toàn diện; Qua nghiên cứu, tác giả nhận định: dù số lượng giảng viên hiện tại tạm đủ, nhưng trong tương lai sẽ có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng; cơ cấu đội ngũ còn mất cân đối, và phần lớn giảng viên mới chỉ đạt trình độ đáp ứng yêu cầu tối thiểu, chưa thật sự nổi bật.
Chương 3: Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật
Đây là phần trọng tâm của cuốn sách, khi tác giả đề xuất hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt nhân lực cho ngành sư phạm nghệ thuật: Tổ chức điều chỉnh quy hoạch đội ngũ phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục; Đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng cạnh tranh công bằng, minh bạch và thu hút nhân tài; Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho giảng viên; Đánh giá giảng viên dựa trên tiêu chí năng lực và mục tiêu phát triển chiến lược; Tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự cống hiến và phát triển của giảng viên; Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý các cấp về lý luận quản lý nguồn nhân lực; Những giải pháp này không chỉ mang tính lý luận, mà còn gắn liền với thực tế, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Có thể nói, cuốn sách Phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại các trường đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục là cẩm nang thiết thực dành cho các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cũng như đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực sư phạm nghệ thuật. Hi vọng rằng, với những giá trị mà cuốn sách mang lại, đội ngũ giảng viên sư phạm nghệ thuật tại Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của nền giáo dục nước nhà.
Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ:
ĐT: (028).38.323.767
Website: www.xuatbangiadinh.vn