Sản phẩm » Giới thiệu sách
Lịch sử Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn (1990-2020)
Thứ Năm, 03/07/2025 | 11:31
Số lượt xem: 21NXBGDVN- Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 1990-2020, do Đảng ủy Bộ GD-ĐT biên soạn và xuất bản năm 2025, tái hiện quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của Đảng bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Qua các giai đoạn lịch sử từ 1945 đến 2020, cuốn sách khắc họa những nỗ lực đổi mới của Đảng bộ Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 1990-2020 của Đảng ủy Bộ GD-ĐT biên soạn đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2025 nhằm tái hiện một cách trung thực, khách quan quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của Đảng bộ Bộ GD-ĐT đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1945 đến năm 2020, đặc biệt qua 6 nhiệm kỳ Đại hội từ năm 1990 đến năm 2020.
Đảng bộ Bộ GD-ĐT từ khi thành lập đến nay luôn phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Các thành viên Ban chỉ đạo biên soạn, Ban biên soạn đã làm việc khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, để hoàn thiện cuốn sách.
Từ khi Cách mạng tháng 8 thành công, Bộ Quốc gia Giáo dục đã được thành lập với nhiệm vụ diệt “giặc dốt” và “kiến thiết nền giáo dục”. Trong giai đoạn này, Chi bộ Bộ Giáo dục đã được hình thành và làm nhiệm vụ đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối cho cơ quan và cán bộ, nhất là các cán bộ lãnh đạo, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất giữa chi bộ Bộ – Thủ trưởng cơ quan (đảm bảo mối quan hệ tốt giữa đảng viên và người ngoài Đảng) trong bộ phận lãnh đạo cốt cán của Bộ. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến.
Từ 1954-1965, bộ máy tổ chức đảng trong cơ quan Bộ Giáo dục ngày càng được hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và quy mô. Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1956) ở miền Bắc là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Hệ thống giáo dục được tiến hành đồng bộ ở tất cả các bậc học.
Từ năm 1965 đến năm 1975 là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt. Trong bối cảnh ấy, Đảng bộ Bộ Giáo dục luôn giữ vững lập trường, quan điểm và niềm tin và sự lãnh đạo của Trung ương Đảng , thực hiện phương châm “dựa vào nhân dân” để tiếp tục xây dựng và phát triển giáo dục. Với tinh thần “địch đánh nhà trường ở đâu, đều có mặt cán bộ lãnh đạo giáo dục các cấp và cán bộ của Bộ ở đó”, nhờ vậy và sự nghiệp giáo dục miền Bắc tiếp tục phát triển về cả chất lượng và quy mô, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành đối với đất nước.
Từ năm 1976 đến năm 1990, là thời kỳ quan trọng của ngành giáo dục nước nhà khi đất nước thống nhất và bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới. Trong giai đoạn này, Đảng bộ Bộ đã quán triệt các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề quan trọng của đất nước. Đảng bộ cũng đã góp phần chỉ đạo việc xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm thống nhất trong toàn quốc, biên soạn các bộ sách giáo khoa mới theo tinh thần cải cách từ năm 1981-1982 và hoàn thành cho cả hệ thống vào năm học 1992-1993, đề xuất tôn vinh người giáo viên qua việc lấy ngày 20-11 là ngày kỉ niệm hàng năm, ban hành danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú,…
Giai đoạn 1990- 2000, đánh dấu sự phát triển vượt bậc quan trọng của Đảng bộ Bộ. Đặc biệt từ năm 1996, Đảng bộ Bộ GD-ĐT được nâng cáp thành đảng bộ cấp trên cơ sở, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo trog việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các tổ chức đảng trong Đản bộ lãnh đạo, tham mưu cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng về giáo dục và đào tạo, đặc biệt đổi mới Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên, thực hiện Luật phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ (1990),… Trong thời kì này, Đảng bộ đã từng bước thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong từng thời kì.
Từ năm 2000-2010, giáo dục Việt Nam đối mặt với nhiều yêu cầu cấp thiết từ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, kiên trì thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, hướng đến “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”; gắn giáo dục với phát triển kinh tế – xã hội, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều thành quả đáng ghi nhận là: đổi mới Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên, thực hiện Luật phổ cập giáo dục tiểu học (1991), thực hiện Nghị quyết số 41/2000/QH10 cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (mức 1) vào năm 2010; thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về Đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông. Thực hiện quá trình đổi mới Giáo dục đại học, từng bước mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, thúc đẩy sự phát triển theo hướng hiện đại hoá, gắn với công nghệ hiện đại và thị trường lao động.
Giai đoạn 2010–2020, Đảng bộ Bộ GD-ĐT đã lãnh đạo triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức đảng và đảng viên đóng góp xây dựng 03 Luật, 02 Nghị quyết của Quốc hội, 46 Nghị định và hơn 300 thông tư của ngành. Cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng, giáo dục đại học đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Công tác thi, kiểm tra được đổi mới theo hướng hiện đại, thực chất; kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được gộp thành kỳ thi THPT Quốc gia. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, cải thiện rõ rệt.
Ngoài phần nội dung chính, sách còn đính kèm các phụ lục giới thiệu khái quát về đội ngũ lãnh đạo Bộ GD-ĐT qua các thời kỳ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục, cũng như các chỉ tiêu phát triển ngành, giúp bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo bổ ích.
Cuốn sách đã được Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đánh giá "là một công trình khoa học được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đáp ứng cơ bản yêu cầu của một công trình lịch sử Đảng bộ, có ý nghĩa chính trị, lý luận và thực tiễn sâu sắc."