Sản phẩm » Giới thiệu sách
Tuyển tập công trình nghiên cứu ngữ văn học (tập 6)
Thứ Năm, 24/04/2025 | 15:02
Số lượt xem: 21NXBGDVN - Tuyển tập Công trình nghiên cứu Ngữ văn học – Tập 6 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành là sự kết tinh của 54 bài tham luận được tuyển chọn từ Hội thảo Khoa học Sau đại học ngành Ngữ văn năm 2022, do Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Các bài viết trong tập sách phản ánh đa dạng hướng tiếp cận nghiên cứu, từ chuyên ngành đến liên ngành chỉ thể hiện chiều sâu học thuật, mà còn phản ánh sinh động mối quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường hiện nay.
Tuyển tập Công trình nghiên cứu Ngữ văn học – Tập 6 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành là sự kết tinh của 54 bài tham luận được tuyển chọn từ Hội thảo Khoa học Sau đại học ngành Ngữ văn năm 2022, do Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Tuyển tập ra đời với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Các bài viết trong tập sách phản ánh đa dạng hướng tiếp cận nghiên cứu, từ chuyên ngành đến liên ngành. Ở góc độ chuyên ngành, công trình bao quát các lĩnh vực: Văn học dân gian, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Lý luận văn học, Lý luận và phương pháp giảng dạy Ngữ văn, Văn hóa Việt Nam. Ở hướng liên ngành, nhiều bài viết tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn trong giảng dạy Ngữ văn ở các cấp học, cũng như mối liên hệ giữa Ngôn ngữ – Văn hóa – Văn học trong bối cảnh hiện đại. Đặc biệt, tập sách còn giới thiệu các khuynh hướng lý thuyết mới trong văn học, ngôn ngữ và văn hóa, cùng những kiến giải sáng tạo về các hiện tượng ngôn ngữ – văn học cụ thể, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Các chủ đề chính của sách bao gồm:
- Nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống như các tín ngưỡng văn hóa và đặc điểm biểu hiện trong đời sống xã hội và tâm thức cộng đồng: Giá trị tư tưởng đạo học của Khổng Tử với việc học trong xã hội hiện đại (Nguyễn Thị Vĩnh Hà); Khảo cứu hệ thống di văn Hán Nôm tại chùa Keo Thái Bình (Nguyễn Văn Nhuận); Bàn về “hiếu đễ” trong tư tưởng Nho giáo và ý nghĩa của “hiếu đễ” trong giáo dục học sinh hiện nay” ( Nguyễn Thị Huyền My)
- Nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại: Khảo luận sâu về tác giả, tác phẩm, tư tưởng, phong cách, ngôn ngữ, nhân vật trong văn học Việt Nam hiện đại và đương đại như:
Quan niệm nghệ thuật về con người trong “Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái” (Nguyễn Kim Anh); Cảm quan nữ tính trong bài thơ “Cánh đồng” của Ngân Hoa (Nguyễn Thị Hiền); Nuối tiếc và hi vọng trong “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ (Nguyễn Thu Thủy); Sức sống kiên cường và bền bỉ trong “Cỏ dại” của Xuân Quỳnh,…
Nghiên cứu văn học nước ngoài và văn học dịch, luận giải nhiều khía cạnh về các tác giả và tác phẩm: Sự giao thoa văn hóa Á – Âu trong tác phẩm “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse (Ngô Kim Hà); Không gian nghệ thuật mang tính chất nước đôi trong truyện ngắn của James Joyce (Nguyễn Thu Trang); Cái nhìn về con người của O. Henry trong truyện ngắn “Một sự cải tạo được cứu vãn” (Lê Thu Trang),…
- Nghiên cứu và ứng dụng các lí thuyết văn học như : kí hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc, ngôn ngữ học tri nhận, thi pháp học để phân tích đánh giá tác phẩm: Giải mã Những vì sao của Alphonse Dauet dưới góc nhìn kí hiệu học (Ngô Hà Giang); Vận dụng lí thuyết chủ nghĩa cấu trúc vào nghiên cứu tập truyện ngắn “Nắng trong vườn” của Thạch Lam (Trần Thị Thơm); Tiếp cận bài thơ “Tiếng động màu xanh” của Miên Di dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận.
Các công trình trong tuyển tập không chỉ thể hiện chiều sâu học thuật, mà còn phản ánh sinh động mối quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường hiện nay. Đây là tài liệu giá trị dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, cũng như những ai yêu mến lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học.