GIỚI THIỆU SGK MỚI THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018

Giới thiệu bộ SGK: Cùng học để phát triển năng lực

Thứ Ba, 31/12/2019 | 15:22

Số lượt xem: 69952

Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực được biên soạn với mục tiêu trang bị những kiến thức nền tảng có thể phát triển phẩm chất và năng lực HS. Những nhiệm vụ học tập trong từng bài học góp phần phát triển năng lực chung, đồng thời phát triển năng lực chuyên môn.

Ở mỗi bài học, nội dung kiến thức được đa dạng hóa, trong đó, nhiều hoạt động khuyến khích HS độc lập suy nghĩ, đánh thức tiềm năng sáng tạo. Sách đảm bảo yêu cầu tích hợp nội môn (tích hợp nội dung môn học theo các chủ đề) và liên môn (lồng ghép một số nội dung học tập của các môn học khác và nội dung các hoạt động luyện tập, thực hành, vận dụng).

Bộ sách được biên soạn ở lớp 1 có mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của Chương trình, vừa phù hợp với sức học của đại đa số HS ở tất cả các vùng miền, đảm bảo sự thân thiện, gần gũi với mọi HS, GV.

Cùng học để phát triển năng lực được thiết kế theo mô hình hoạt động. Trong đó, mỗi bài trong sách HS được thể hiện qua các hoạt động, sách GV là tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động đó. Bộ sách cũng góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, giúp HS thực hiện nhiệm vụ học hiệu quả, giúp GV tổ chức tốt các hoạt động học tập cũng như các hoạt động kiểm tra, đánh giá học tập của HS.

TOÁN 1 (Tác giả: Đinh Thế Lục (Tổng Chủ biên), Phan Doãn Thoại (Chủ biên), Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Thị Bích Thuận).

Toán 1 được biên soạn với mục tiêu trang bị những kiến thức nền tảng có thể phát triển những phẩm chất và năng lực của HS lớp 1, trong đó, năng lực giải quyết vấn đề là trục chính. 

Ở mỗi bài học, nội dung kiến thức được thể hiện bằng những hoạt động, trong đó, nhiều hoạt động khuyến khích HS độc lập suy nghĩ, đánh thức tiềm năng sáng tạo. 

Toán 1 đảm bảo yêu cầu tích hợp nội môn - tích hợp nội dung theo các chủ đề; tích hợp liên môn - lồng ghép nội dung giáo dục của môn học khác và vận dụng giải quyết vấn đề thực tế. 

Nội dung mỗi bài học được thể hiện bằng một chuỗi các hoạt động học của HS gồm các nhóm hoạt động. Chuỗi hoạt động này được sắp xếp theo thứ tự bảo đảm tiến trình bài học chặt chẽ, tối giản. 

Toán 1 thể hiện các tình huống, vấn đề cần giải quyết qua hình ảnh hoặc câu chuyện nhỏ hấp dẫn, thực tế, thân thiện với HS. Do đó cuốn hút HS, làm cho HS hình dung như đang chứng kiến hoặc đang sống trong tình huống đó. Từ đó HS dễ dàng tìm ra phương án giải quyết vấn đề.

TIẾNG VIỆT 1 (Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh (Chủ biên), Nguyễn Thị Hương Giang, Nguyễn Lệ Hằng, Đặng Thị Lanh, Trần Thị Hiền Lương, Trịnh Cam Ly)

SGK Tiếng Việt 1 được biên soạn theo theo quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực cho HS. Các bài học trong sách bao gồm những văn bản theo chủ điểm nhằm hình thành và phát triển ở HS những phẩm chất tốt đẹp với các biểu hiện cụ thể như: tình yêu đối với thiên nhiên, gia đình, quê hương; ý thức đối với cội nguồn; lòng nhân ái; tình yêu cái đẹp, cái thiện, những cảm xúc lành mạnh, tinh thần ham học, yêu lao động; đức tính trung thực và tinh thần trách nhiệm..

Những nhiệm vụ học tập trong từng bài học hướng tới mục tiêu phát triển các năng lực chuyên môn như: năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho HS. 

Nhằm đạt mục tiêu phát triển năng lực cho HS, sách tập trung thiết kế các nhiệm vụ học tập để HS hoạt động nhằm giúp các em thực hiện được những yêu cầu của đọc, viết, nói và nghe. Thông qua đó, mỗi HS đều được bộc lộ mình và được phát triển năng lực.

Hoạt động học trong SGK Tiếng Việt 1 được thiết kế phù hợp với từng nhiệm vụ phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe và dựa trên 4 loại hoạt động học tập: Hoạt động khởi động (giúp HS chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của các em đã có về những vấn đề được nêu trong bài học mới nhằm giúp các em học dựa trên những điều đã biết); Hoạt động khám phá (giúp HS tìm và hiểu kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị mới trong bài học); Hoạt động luyện tập (giúp HS sử dụng từng phần của kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị vào giải quyết những vấn đề trong tình huống đơn giản gần với tình huống thực); Hoạt động vận dụng (giúp HS sử dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị vào giải quyết tình huống mới trong học tập và đời sống của chính các em).

Hình thức hoạt động học tập trong Tiếng Việt 1 được thiết kế đa dạng nhằm phát triển cho HS kĩ năng làm việc cá nhân, kĩ năng làm việc nhóm, tương tác với thầy cô và các bạn trong lớp. Không gian học tập của HS được mở rộng từ lớp học ra trường học, cộng đồng… nhằm giúp các em không chỉ được học trên sách mà còn được học trong thực tế ở nhà trường, gia đình và địa phương.

Tiếng Việt 1 đảm bảo yêu cầu tích hợp nội môn (nhiều kĩ năng ngôn ngữ trong mỗi bài học) và tích hợp liên môn (lồng ghép kiến thức của những môn học khác như Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức…).

ÂM NHẠC 1 (Tác giả: Hoàng Long (Tổng chủ biên kiêm Chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Văn Minh, Nguyễn Thị Nga).

SGK Âm nhạc 1 góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, giúp GV tổ chức các hoạt động học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Sách giúp cho HS thực hiện việc học có hiệu quả, phát huy được năng lực tiềm ẩn của mỗi em. 

Nội dung học trong Âm nhạc 1 được viết theo chủ đề. Mỗi chủ đề là hàng loạt hoạt động được diễn ra liên tục nhằm từng bước hình thành những năng lực chung và riêng theo định hướng của Chương trình tổng thể và Chương trình môn học.

Các hoạt động hình thành kiến thức (khám phá), rèn luyện kĩ năng (luyện tập) và hoạt động thực hành (vận dụng) có sự hài hòa, tạo điều kiện cho HS hình thành năng lực theo đặc thù của môn học âm nhạc. Đó là các năng lực: thể hiện, hiểu biết/ cảm thụ, vận dụng/ sáng tạo. Từ đó hình thành năng lực thẩm mĩ nói chung và thẩm mĩ âm nhạc nói riêng theo định hướng của Chương trình tổng thể.

Âm nhạc 1 có thiết kế mĩ thuật theo định hướng chung của tất cả các môn học trong bộ sách Cùng học để phát triển năng lực. Sách sử dụng nhiều kênh hình để minh họa cho nội dung kiến thức và những hình ảnh đẹp để trang trí hấp dẫn, bắt mắt người đọc. Để tiện cho việc theo dõi của GV và HS, các chủ đề có đánh số thứ tự các hoạt động bằng màu sắc khác nhau để phân biệt các hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập và ứng dụng.

Sách thuận lợi cho việc tự học của HS, dễ dàng cho việc sử dụng của GV, đồng thời phụ huynh cũng có thể căn cứ vào SGK để theo dõi, phối hợp hỗ trợ HS học tập. Sách có độ mở thích hợp, giúp GV có thể cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức theo vùng miền.

SGK Âm nhạc 1 tiếp thu, kế thừa một số vấn đề trong các sách dạy âm nhạc ở trường phổ thông trong những năm qua, tham khảo sách dạy âm nhạc của nhiều nước nhưng đã nâng lên một bước, bảo đảm tính dân tộc, hiện đại, khoa học, sư phạm và thực tiễn. 

ĐẠO ĐỨC 1 (Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Tổng chủ biên), Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Mai Mỹ Hạnh, Nguyễn Thanh Huân, Nguyễn Thị Diễm My, Nguyễn Thị Xuân Phương).

SGK Đạo đức 1 được nhóm tác giả biên soạn dựa trên nguyên tắc của sự trải nghiệm và khám phá của HS lớp 1. Điều cốt lõi của cuốn sách không phải là bài học hay ghi nhớ những chuẩn mực mà đó là hoạt động mang tính tích cực của HS được đan cài khéo léo thông qua những suy nghĩ, cảm nhận, tự đánh giá và những rung động của các em. Vỏ bọc của hoạt động được triển khai và ẩn sâu trong đó là từng gợi mở dành cho HS, từng định hướng về giá trị và hành vi của các em thông qua các chủ đề gắn kết cùng bối cảnh cuộc sống thật của các em.

Khi biên soạn Đạo đức 1, để tăng tính hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả cho việc dạy và học môn học này, nhóm tác giả đã khai thác các tiêu chí cụ thể bằng việc phác thảo ma trận:

- Bám sát mục tiêu và yêu cầu cần đạt, dạng thức hoạt động theo ma trận có thể tải được mục tiêu và yêu cầu cần đạt nhưng vừa sức và phù hợp với đặc trưng của môn học;

- Nghiên cứu, chọn lọc các ngữ liệu thu thập được của nhóm thông qua các đề tài khoa học có liên quan, thông qua việc đánh giá, phân tích các ngữ liệu hiện có của các bộ sách: Đạo đức, Giáo dục lối sống, Rèn luyện kỹ năng sống để chọn lọc các ngữ liệu vào kho lưu trữ theo chủ đề sao cho thật phù hợp, gần gũi;

- Sử dụng kỹ thuật thu thập nhanh các ngữ liệu thực tiễn từ cuộc sống thông qua các diễn đàn dành cho cha mẹ, GV với sự chắt lọc và điều chỉnh phù hợp. Nguồn dữ liệu thực tiễn còn được thu thập thông qua kinh nghiệm của các GV được khai thác theo kênh facebook: bình luận câu chuyện cho trẻ em;

- Khai thác các ý tưởng phục vụ cho hoạt động cụ thể với các câu chuyện, tranh vẽ hay bộ tranh từ các tác giả theo hướng gần gũi và gắn với đời sống của HS;

- Phản biện theo kỹ thuật Sáu chiếc mũ của tư duy để chọn lọc các câu chuyện thiết thực và hấp dẫn với HS;

- Sử dụng các hình thức kể chuyện sáng tạo: kể chuyện kết nối tranh, kể chuyện thay đổi lời kết, kể chuyện theo tranh... trên nhóm HS thực nghiệm để có thể điều chỉnh các ngữ liệu phù hợp.

SGK Đạo đức 1 là tài liệu tâm huyết của các tác giả. Không chỉ HS rung cảm, suy nghĩ mà chính các tác giả cũng nghĩ suy, trăn trở và trải nghiệm sâu sắc hơn khi viết cho các em bằng những rung cảm và sự tư duy đa chiều.

TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI 1 (Tác giả: Nguyễn Hữu Đĩnh (Tổng chủ biên), Phan Thanh Hà (Chủ biên), Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Hồng Liên).

SGK Tự nhiên và Xã hội 1 là cụ thể hóa của chương trình Tự nhiên và Xã hội. Theo đó, sách thể hiện những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong chương trình. 

Sách được biên soạn với mục đích: Cung cấp kiến thức khoa học, chính xác; Xây dựng những con đường học tập cho HS; Hình thành cho HS những kĩ năng và thái độ thiết yếu phù hợp với lứa tuổi nhằm phục vụ hoạt động dạy và học ở trường tiểu học theo chương trình môn Tự nhiên và Xã hội ban hành tháng 12 năm 2018.

HS theo gợi ý hướng dẫn trong sách sẽ thực hiện các 'hoạt động học' trên cơ sở tương tác với hình ảnh, trải nghiệm với thực tế, các bạn, thầy cô giáo và xã hội để hình thành kiến thức, kĩ năng và thái độ cho bản thân mình.

Ngoài ra, GV cũng có thể sử dụng sách này để xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức các hoạt động học tập, giúp HS rèn luyện các kĩ năng học tập.

Tự nhiên và Xã hội 1 được cấu trúc khoa học, dễ tra cứu và sử dụng. Nội dung sách được thiết kế thành 6 chủ đề gồm: 26 bài học, 6 bài ôn tập và đánh giá cuối chủ đề. 

Sách được trình bày có sự phối hợp giữa kênh hình và kênh chữ: 

- Kênh hình đầu tư công phu tạo sự thu hút, hấp dẫn HS. Kênh hình là một phần nội dung kiến thức môn học; gợi mở 1 số cách thức tổ chức hoạt động; một số nội dung hình thể hiện sản phẩm mong đợi đạt được từ HS.

- Kênh chữ trình bày ngắn gọn, từ ngữ gần gũi, thân mật. Kênh chữ là tóm lược nội dung kiến thức; là tiêu đề nội dung có thể dưới hình thức câu hỏi (mở), mệnh đề định hướng hoạt động; là các đối thoại qua bóng nói “làm mẫu” về cách học cho HS. 

MĨ THUẬT 1 (Tác giả: Đoàn Thị Mỹ Hương (Tổng chủ biên), Trịnh Đức Minh, Bạch Ngọc Diệp (đồng Chủ biên), Nguyễn Gia Bảy, Nguyễn Quỳnh Nga, Trần Thị Thu Trang).

SGK Mĩ Thuật 1 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản: tuân thủ và cụ thể hóa Chương trình môn Mĩ thuật đã được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26 tháng 12 năm 2018.

Mĩ thuật 1 có mức độ tiếp cận hợp lý, độ mở thích hợp, thuận tiện cho việc cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức theo vùng miền, theo định hướng nghề nghiệp của HS; góp phần đổi mới phương pháp dạy học, giúp HS  thực hiện nhiệm vụ học hiệu quả, giúp GV tổ chức tốt các hoạt động học tập cũng như các hoạt động kiểm tra đánh giá học tập của HS.

Sách có cấu trúc nội dung bao gồm 8 chủ đề và một bài mở đầu. Kiến thức ở mỗi chủ đề được sắp xếp từ đơn giản và tăng dần mức độ, phù hợp sự phát triển nhận thức của đối tượng HS lớp 1. Sách được biên soạn theo hướng tích hợp nội bộ môn học, tạo sự kết nối liên hoàn giữa việc cung cấp kiến thức với yêu cầu cần đạt và các hoạt động tạo hình, từ đó hình thành năng lực chuyên môn học và góp phần hình thành năng lực chung.

Mĩ thuật 1 có thiết kế tổng thể, nhất quán và khoa học. Kênh hình chiếm phần lớn trang sách, kênh chữ chiếm tỉ lệ nhỏ ở các câu lệnh cho hoạt động học ở mức độ ít chữ và dễ hiểu. Qua đó, giúp HS dễ dàng hơn khi quan sát và hình thành nhận biết ban đầu về một số yếu tố, nguyên lý tạo hình ở mức độ đơn giản.

Hình ảnh minh họa chủ yếu khai thác từ hình ảnh phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống thường ngày đến các sản phẩm mĩ thuật phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Hình ảnh sản phẩm minh họa được chọn lọc và thực hiện bởi chính các HS cùng lứa tuổi, vì vậy sẽ không chỉ đẹp mà còn có tác dụng thu hút sự chú ý của HS lớp 1 và tạo cảm hứng cho các hoạt động học trên lớp.

Với quan điểm thực hiện đổi mới, giảm tải, tích hợp nội dung dạy - học, Mĩ thuật 1 hướng tới phát triển các năng lực thẩm mĩ đặc thù của môn học như: quan sát và nhận thức thẩm mĩ; sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ; phân tích và đánh giá thẩm mĩ như định hướng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.