Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa
TS-KTS Vũ Hoài Đức: Từ tiếng leng keng tàu điện Hà Nội
Thứ Sáu, 14/06/2024 | 08:43
Số lượt xem: 1443Khi liên lạc với kiến trúc sư (KTS) Vũ Hoài Đức hỏi về tác phẩm Cung đường của ký ức, hiện tại và tương lai được đăng trong sách Ngữ văn 11, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo, chính anh cũng ngạc nhiên về thông tin này. Anh cũng tự hỏi rằng bài viết của một kiến trúc sư mà có mặt trong sách Ngữ văn 11,nghe có vẻ chẳng có gì liên quan.
Nhưng từ góc độ người đọc thì không có gì vô lý, vì bài viết của anh vừa có ngôn ngữ văn chương, vừa có nội dung đầy tính khoa học về một nét độc đáo của Hà Nội xưa. Nó rất đáng để học sinh trung học hiểu thêm về một nét đặc trưng của đô thị và biết đâu đó có thể là cánh cửa mở ra cho các em tư duy về không gian, hệ thống hạ tầng của các thành phố mà mình sinh sống hoặc có dịp đặt chân đến.
Nhớ tiếng leng keng của quá khứ
KTS Vũ Hoài Đức kể, tác phẩm Cung đường của ký ức, hiện tại và tương lai của mình đến từ một lời mời viết cho báo Hà Nội mới số Xuân năm 2017. Như vậy, trước khi đến với sách giáo khoa, tác phẩm này được đăng trên báo, sau đó nó trở thành một bài báo khoa học được đăng trên Kiến trúc, một tạp chí chuyên ngành. Tuy đây là một bài báo khoa học nhưng được viết từ cảm xúc của những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả.
Cuộc đời Vũ Hoài Đức gắn liền với Hà Nội từ khi mới sinh ra cho đến nay, nên tiếng leng keng tàu điện của thành phố là âm thanh đẹp in đậm trong ký ức của anh. Đó là những ngày được bố mẹ dẫn đi loanh quanh đến các điểm di tích, thắng cảnh, hoặc một thời "nhảy tàu" đi học.
KTS Vũ Hoài Đức
Anh kể: "Khi tôi học hết năm nhất đại học thì các tuyến đường sắt tàu điện bị dỡ bỏ, đã để lại trong tôi một nỗi hụt hẫng vì phải bỏ đi một thói quen từ nhỏ.Vậy nên, khi viết những bài báo hoặc những công trình về quy hoạch Hà Nội thì tiếng leng keng tàu điện lại được gợi nhớ trong tôi".
Dĩ nhiên, âm thanh ấy chẳng phải là nỗi nhớ của riêng anh, mà của rất nhiều văn nghệ sĩ khác. Chúng ta rất dễ gặp trong các tác phẩm văn, thơ, nhạc...
Chẳng hạn, với nhạc sĩ Hoàng Hiệp: "...Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy..." (trong bài hát Hướng về Hà Nội). Hoặc nhạc sĩ Trần Tiến cũng đã nhớ và tưởng tượng về Hà Nội của riêng mình: "Hà Nội những năm hai nghìn/Lại nghe tàu điện leng keng/Để được ngồi gần em hơn/Ngắm chiều về phố cổ Thăng Long" (trong bài hát Hà Nội những năm hai nghìn). Hoặc một người trẻ hơn, như nhà văn Nguyễn Trương Quý, khi viết cuốn Một thời Hà Nội hát cũng đã dành không ít trang cho những tuyến tàu điện chạy quanh trung tâm Hà Nội ngày ấy.
Thế nhưng, với Vũ Hoài Đức, tiếng leng keng ấy trong bài viết của anh không chỉ là nỗi nhớ xưa cũ, mà dưới góc độ nghiên cứu về lịch sử đô thị thì rõ ràng tàu điện là một dấu ấn lớn: "...hệ thống tàu điện Hà Nội xưa là chứng nhân cho quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kiểu thành thị phương Đông sang hình thái đô thị hiện đại kiểu phương Tây… góp phần tạo nên một thủ đô nhiều tầng văn hóa" (trích đoạn từ tác phẩm).
"Khi học về cấu trúc không gian, công trình kiến trúc - thiết kế đô thị, tôi nhận thấy hóa ra tàu điện Hà Nội là một thành tố trong cấu trúc tổng thể không gian đô thị hồi đó" - anh nói thêm về tàu điện ở góc độ chuyên môn.
KTS Vũ Hoài Đức phát biểu tại một hội thảo. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Trong bài viết, Vũ Hoài Đức đã đưa ra một vấn đề cũng đáng lưu tâm là khôi phục hệ thống tàu điện. Đó vừa là cách quy hoạch không gian Hà Nội, vừa có thể giải quyết bài toán giao thông của Hà Nội đương đại. Theo anh, vào những năm 1980, việc duy trì hệ thống tàu điện đã gặp nhiều khó khăn như nguồn điện, kỹ thuật sửa chữa, phụ tùng thay thế... nên tính hữu dụng không còn, nhưng hiện nay đã có thể giải quyết tốt những vấn đề ấy, thì việc khôi phục phần nào các tuyến đường sắt tàu điện theo cách hiện đại hơn là việc nên làm. Vấn đề này đã có lần trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học trong một hội thảo do Hội đồng kiến trúc thành phố Hà Nội tổ chức. Vũ Hoài Đức nói thêm về quan điểm của mình: "Đó là gợi ý về một phương thức cần được xem xét lại, về cơ sở hạ tầng không tốn kém, rất kinh tế và nhân văn, có tính xã hội".
Nhưng, đó là những việc của các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng, còn với các em học sinh, đọc và tìm hiểu thêm về các tuyến đường sắt tàu điện Hà Nội "hướng tâm" - hướng về Hồ Gươm, hình dung về các thế hệ người Hà Nội cận đại thong dong trên những chuyến tàu điện leng keng đi ngang qua tháp Bút, tháp Rùa, cầu Thê Húc, hồ Gươm... để thấy được một nét văn hóa của thành phố một thời cũng đã là điều rất thú vị.
Nghĩ về những công trình xanh
Nghe Vũ Hoài Đức hào hứng nói về tàu điện Hà Nội, hỏi anh có 2 yếu tố nổi bật dễ cảm nhận ở anh là hoài cổ và thích suy ngẫm về những công trình hài hòa với thiên nhiên có đúng không? Anh nói: "Kiến trúc sư thế hệ chúng tôi hầu hết là những người có chất nghệ sĩ, nên nỗi hoài nhớ là có và đưa thiên nhiên vào các công trình kiến trúc đang là xu hướng chung của thế giới".
Có lẽ vậy mà đề tài luận án tiến sĩ của anh cũng có cái tên hơi "xưa cũ": "Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội", nghiên cứunhững thay đổi về cấu trúc đô thị là một dòng chảy riêng hòa trong dòng chảy lịch sử chung của thành phố.
Sự nghiệp của Vũ Hoài Đức gắn liền với Hà Nội khá nhiều. Anh nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử kiến trúc và đô thị, về quy hoạch và phát triển bền vững... tựu trung là những vấn đề về Hà Nội. Anh thích "lặn lội xuôi ngược" trong các chiều không gian và thời gian khác nhau của thủ đô.
"Cung đường của ký ức, hiện tại và tương lai" trong sách "Ngữ văn 11" từ trang 96 đến 99
Một mối quan tâm khác của anh, dễ thấy qua các cuộc hội thảo và trả lời phỏng vấn, đó là các công trình xanh. Người nghe cũng có thể hiểu rằng đó là những công trình vừa tiện nghi vừa lãng mạn. Nhưng không chỉ vậy,"Thiên nhiên luôn đặc biệt quan trọng với con người nên phát triển bền vững - những thành phố cộng sinh - đang là xu thế của các nước phát triển với ý tưởng đưa thiên nhiên quay trở lại với thành phố, tái hòa nhập với đời sống của con người" - anh chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa thiên nhiên và cấu trúc đô thị.
Công trình xanh không đơn thuần là việc phủ xanh đô thị, trồng nhiều cây xanh cho thành phố, vườn nhà là đủ, mà còn là những thiết kế tiết kiệm năng lượng - tài nguyên, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người và môi trường tự nhiên...Vì vậy, công trình xanh cần những nghiên cứu liên ngành.
Hỏi Vũ Hoài Đức: "Tuy nhiên, ở một nước đất nước đang phát triển thì việc xây dựng các đô thị khó mà không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên", anh trả lời: "Không thể không sử dụng thiên nhiên vào không gian sống. Vậy nên, lấy của thiên nhiên bao nhiêu thì phải bù đắp lại cho thiên nhiên bấy nhiêu. Chẳng hạn, chặt bỏ những hàng cây để làm công trình nào đó thì phải tái tạo lại những hàng cây khác để đảm bảo sự cân bằng".
"Hệ thống tàu điện Hà Nội xưa là chứng nhân cho quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kiểu thành thị phương Đông sang hình thái đô thị hiện đại kiểu phương Tây… góp phần tạo nên một thủ đô nhiều tầng văn hóa" - KTS Vũ Hoài Đức. |
Đặt cái tôi cao dù không dùng chữ "tôi" nào
KTS Vũ Hoài Đức hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh đi dạy sau một thời gian dài công tác ở Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Công việc thực tế và những trải nghiệm trước đó rất có ích cho việc giảng dạy hiện tại. Kết nối giữa lý thuyết hàn lâm trong trường học và cập nhật tình hình thế giới để soi chiếu vào Việt Nam đương đại khiến cho các bài giảng của anh có sức hấp dẫn, truyền được cảm hứng cho sinh viên.
Ở vị trí của một giảng viên, Vũ Hoài Đức mong muốn thế hệ sau được giáo dục theo triết lý khai phóng, nhưng biết trân trọng những gì đã qua, dù có thể có những hạn chế. Anh thường nói với sinh viên rằng, nhìn vào hạn chế ấy sẽ có được những bài học và tư duy sẽ phát triển. Theo anh, khai phóng là nhìn khác đi, đặt cái tôi cá nhân rất cao, dù không cần dùng chữ "tôi" nào. Một thế hệ kiến trúc sư trẻ mà có cái "tôi" rõ ràng được đặt hợp lý trong cái "chúng ta", tức là biết đặt cái nhìn riêng của mình trong cái lợi ích chung, sống có trách nhiệm với cộng đồng là tương lai sẽ có những đô thị được quy hoạch tốt hơn.
Anh còn thường dặn dò sinh viên của mình và kiến trúc sư trẻ phải biết làm việc với điều kiện mình đang có và tìm thấy vẻ đẹp của nó. Ví dụ, trước những đô thị ngăn nắp như các thành phố ở châu Âu, có người thấy đẹp và có người thấy khô cứng, Việt Nam có nhiều đô thị quy hoạch khá lộn xộn, thiếu trật tự, nhưng nếu nhìn kỹ, tìm tòi sẽ thấy điều thú vị, gợi cảm hứng sáng tạo. Đó chính là tình yêu với công việc mình đang làm và mảnh đất mình đang sống.
KTS Vũ Hoài Đức hiện còn là Tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Đứng ở góc độ là giảng viên hoặc tổng thư ký, anh đều làm việc với tinh thần cởi mở. Anh chia sẻ về dự định kết nối với thế hệ trẻ, mời các kiến trúc sư trẻ và các bạn sinh viên kiến trúc cộng tác với hội để góp không khí tươi mới và nhiệt tình cho hội.
Về cá nhân, anh "thật thà khai báo" rằng có đôi lúc cơm áo gạo tiền làm tình yêu nghề bị giảm sút, nhưng anh luôn bằng cách nào đó tìm lại được tình yêu ấy, chứ chưa bao giờ chán nản.