Tin tức

TRỞ VỀ TUỔI THƠ BÊN TRANG SÁCH CŨ

Thứ Tư, 25/05/2022 | 10:03

Số lượt xem: 3599

NXBGDVN - Thời gian vừa qua, cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức đã nhận được rất nhiều bài dự thi của độc giả từ khắp các tỉnh/thành trong cả nước gửi về. Hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu một tác phẩm dự thi thuộc Bảng A - thể loại văn xuôi của anh Nguyễn Trung Kiên. Chúng tôi tin rằng, tất cả những kỷ niệm ngày xưa yêu dấu bên trang sách học trò vẫn luôn ở trong tâm trí chúng ta, chỉ cần gõ đúng mạch thì dòng chảy ký ức ấy bỗng nhiên lại ùa về sống động như mới ngày hôm qua. 

“Cuốn sách đã tạo nên một thế giới con chữ đưa ta đến với những thứ tình cảm chân thành trải dài trong cuộc sống với những tư tưởng nhân văn mang giá trị tri thức lẫn đạo đức con người, dung dị và giản đơn…”

Kí túc xá, Trường Đại học An ninh nhân dân, ngày 23/3/2022!
Ngồi vào chiếc bàn làm việc ngay góc cửa sổ sau giờ lên lớp, như thói quen hằng ngày, tôi lướt mạng xã hội để cập nhật thông tin bằng chiếc điện thoại cũ của mình. Tôi chợt dừng lại, khi bắt gặp bài viết của tác giả Nguyễn Hằng Nga, trong đó có đoạn “Ngày ấy khi tôi chuẩn bị đến trường, mẹ xin ở đâu về cho tôi cuốn Học vần cũ, nhưng lại cất trên gác bếp. Không biết lúc đó vì sự hiếu kỳ của trẻ con hay vì tinh thần hiếu học mới đâm chồi mà tôi bị thu hút bởi cuốn sách đó. Nhân lúc mẹ vắng nhà, tôi đã bắc ghế lên, lấy cuốn sách xuống. Thấy nó bị bám bồ hóng đen sì, tôi đã làm một việc không ai ngờ, đó là đem sách đi “giặt”. Tôi nhúng cuốn sách vào xô nước, còn lấy cả bàn chải chà xát, kỳ cọ. Kết quả chắc ai cũng đoán được, dù sau đó được đem phơi nhưng cuốn sách vẫn bị biến thành tổ hợp giấy lộn, không đọc được nữa”. Tôi khẽ bật cười vì mình cũng từng có tuổi thơ giống vậy và như bị cuốn vào thế giới con chữ đầy ắp cảm xúc, tôi đọc hết bài viết với những dòng chia sẻ rất chân thật mà tác giả dành hết nỗi lòng của mình vào đó. Tôi xem kĩ hơn, thì biết rằng đây là một trong những tác phẩm dự thi Cuộc thi sáng tác “Trang sách tôi yêu” do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức với nội dung “viết về những cuốn sách của NXB Giáo dục Việt Nam phát hành đã định hướng, ảnh hưởng, tác động, tạo nên những thay đổi tích cực đến cuộc sống, sự nghiệp của những người học sinh, sinh viên nhiều thế hệ”, lướt tiếp vài bài thi, tôi cảm nhận được sự sâu sắc trong tâm tư, tình cảm của các tác giả gửi đến cuộc thi, đó là câu chuyện về những cuốn sách vỡ lòng đầu tiên, đó là cuốn sách truyền cảm hứng về giá trị của cuộc sống, hay những trăn trở của những người viết sách và có cả câu chuyện về sự tâm huyết của người làm công tác giáo dục. Đây không còn là một cuộc thi nữa, mà đó là một thế giới con chữ đầy sắc màu, kho tàng tri thức, thể hiện giá trị của những cuốn sách trong sự nghiệp trồng người do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. 


Tôi còn nhớ Fukuzawa đã từng nói: “Những ai làm việc khó khăn hôm nay, người ta gọi họ là những người cao thượng; những ai làm việc dễ, người ta gọi là những người thấp kém. Làm một cái gì hữu ích cho con người như dạy người ta cách đọc sách và suy nghĩ, điều đó có lẽ là điều khó khăn của công việc mà họ làm”.  Thật vậy, người làm sách dồn hết tâm huyết của mình để cho ra đời một cuốn sách hay là điều vĩ đại nhất. Chính họ cuốn người đọc vào cơn lốc đầy rẫy chữ nghĩa và ắp đầy những ý tưởng nhân văn. Mọi việc làm đều có mục đích và điểm đến, kể cả làm sách và dạy cho người ta đọc sách. 


Chiều nay, Sài Gòn trời gió nhẹ, nắng chiều chiếu qua khung cửa hằn vệt sáng ở góc bàn làm việc, nhìn phía xa khu tôi ở, những tòa nhà chọc trời sừng sững, bề thế. Bỗng tôi chợt nghĩ, cuộc đời của mỗi người cũng giống như tòa nhà ấy, vì muốn xây một ngôi nhà cần một nền móng vững chắc và có lẽ những cuốn sách giáo khoa đầu đời sẽ là nền móng vững chắc cho chúng ta bước tiếp hành trang khát vọng đời mình. 

Tác giả bài viết dự thi - Thượng uý, Ths. Nguyễn Trung Kiên. Ảnh: NVCC


Tôi thuộc thế hệ 9x đời đầu, cả tuổi thơ và thời niên thiếu gắn bó với những cuốn sách giáo khoa ngã màu vàng của nắng chiều do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, những cuốn sách đầu tiên, nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão, lý tưởng của trẻ thơ với đủ đầy sự kỳ vọng của ba mẹ và làng quê. Trưởng thành, khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng Công an, đặc biệt hơn nữa, khi được công tác trong môi trường giáo dục, một giảng viên của Trường Đại học An ninh nhân dân, tôi thấy được những giá trị mà những cuốn sách đầu đời mang lại. Và hôm nay, đến với “Trang sách tôi yêu”, bản thân xin chia sẻ những dòng cảm nghĩ về những trang sách giáo khoa đầu đời, những trang sách đã định hướng, tạo động lực và vẽ ra một thế giới chữ nghĩa sống động khi bắt đầu học tiếng quê hương, mà có lẽ 30 năm nay vẫn chưa phai nhạt lần nào. Đó là Bộ Sách Giáo khoa Tiếng Việt 1, 2, 3, 4 và 5 do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1994. Bộ sách đã hằng trong ký ức của những chàng trai, cô gái 9x đời đầu như tôi, đã cho chúng tôi biết ước mơ là gì, đã cho chúng tôi biết cuộc sống này ý nghĩa ra sao và đã đồng hành cùng chúng tôi trong những năm tháng học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa bậc tiểu học.

Sách giáo khoa Tiếng Việt đối với học sinh thế hệ chúng tôi, luôn là thứ gì đó thiêng liêng và đáng trân trọng, dù đến bây giờ, có thể cũng chẳng ai cất giữ. Nhưng mỗi trang sách thời ấy là một kỷ niệm, là bài học quý báu, là những giá trị cốt lõi mà người viết sách, Nhà xuất bản, Bộ Giáo dục muốn gửi gắm và định hình cho những bước đi đầu đời của bao thế hệ học sinh. Đó là những con chữ đánh vần A, Ă, Â; đó là những câu chuyện về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái qua “Câu chuyện bó đũa”, “Hai hòn đá”; hay câu chuyện lịch sử, về những nhân vật anh hùng trong “Trên đường đến nhà lao”, “Chú bé liên lạc”… Dù bây giờ, có người cũng đã đi nửa đời người hay tóc ngã màu sương nhưng tôi tin chắc nhiều người vẫn nhớ từng câu chuyện và thuộc lòng từng bài thơ, từng đoạn trích trong những cuốn sách giáo khoa còn vương mùi giấy cũ đó. Người ta hay nói, cái gì đầu tiên cũng sẽ dễ đậm sâu, trở thành những ký ức không bao giờ quên, như ngày đầu tiên mẹ dắt đến trường, hay lần đầu tiên thổn thức với mối tình đầu… Và có lẽ với những cuốn sách đầu đời, nó trở thành ký ức đậm sâu như thế. 


Trong ký ức chắp vá của tôi, ngôi trường nhỏ thuộc một xã nghèo ở Bình Dương nằm ven sông, khuất sau những hàng tràm, với con đường đất đỏ bụi mù, cùng đám học sinh quanh năm với đồng ruộng nhưng lúc nào tíu tít tiếng cười. Ở ngôi trường làng ấy, bộ sách đầu đời với mẫu bìa đơn giản với nét vẽ chân phương nhưng đậm đà bản sắc quê hương, mở ra một bức tranh Việt Nam gần gũi, thân quen, đó là, hình ảnh đánh vần từ Đất nước ở tập 1; hình ảnh con Phụng, con Lân ở tập 2; hình ảnh mặt trời con trâu ở tập 3 hay con diều ở tập 4 và thuyền rồng ở tập 5, cùng với nội dung đơn giản nhưng đủ đầy kiến thức. Trong thế giới chữ nghĩa đó, tôi bắt đầu học đánh vần những con chữ đầu tiên A, Ă, Â… đến những âm ghép “Con Gà”, “Cá Rô”, “Quả Khế”, “Con Cò” hết sức thân thuộc với những đứa trẻ ở làng, ở quê, giống như từ cuộc sống bước vào trang sách và từ trang sách vẽ ra những hình ảnh đời thường. 

Rồi tới những tiết luyện đọc, giáo viên đọc một câu, cả lớp đọc đồng thanh một câu, không khí rộn ràng hơn bao giờ hết. Tôi vẫn nhớ như in mỗi bài tập đọc trong Sách giáo khoa Tiếng Việt là một câu chuyện, từ tinh thần đoàn kết, lễ phép với người lớn đến lòng yêu nước... Từng đoạn trích nhỏ trong các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới, từng bài thơ hay của Bác Hồ, của Tố Hữu. Tất cả điều đó là một thế giới con chữ đưa ta đến với những thứ tình cảm chân thành trải dài trong cuộc sống với những tư tưởng nhân văn mang giá trị tri thức lẫn đạo đức con người, dung dị và giản đơn, tạo hứng thú học tập, mở ra bài học đầu tiên về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, xây dựng nền tảng vững chắc sau này. Cho nên, có những câu thơ đã quá quen thuộc, mà gần 30 năm đã qua, tôi vẫn thuộc nằm lòng như:


Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà.
(Trích Thương ông - Tú Mỡ)


Tuổi thơ như trang giấy trắng, cuốn sách đã viết nên và hun đúc ước mơ con trẻ, dạy cho tôi trân quí tình cảm gia đình, yêu quê hương, đất nước, quý trọng lịch sử mà ông cha gầy dựng, dạy tôi hiểu về tình cảm gia đình và sống có lý tưởng, ước mơ và hoài bão. Vì thế, nó dường như đã in sâu vào ký ức, một phần tuổi thơ khó quên. Để giờ đây, ngồi lại viết những dòng này, bản thân thật sự xúc động. Cảm ơn NXB Giáo dục Việt Nam đã có một bộ sách hay và hấp dẫn, với rất nhiều kỷ niệm.


Tôi sinh ra vào những thập niên 90 trong gia đình thuần nông ở miền Nam, thời buổi mà báo đài, truyền hình, internet chưa phát triển, lũ trẻ như tôi chỉ quanh quẩn với xóm, với làng, với những trò chơi dân gian và những câu chuyện hay trong những trang sách giáo khoa Tiếng Việt này. Ngày ấy, bọn tôi cũng không đi học thêm như các cháu bây giờ. Tối tối ngồi nghe ba mẹ đọc bài, lên lớp nghe được cô giáo chỉ dạy, cuốn sách mang lại sự hứng khởi, ham học hỏi, tìm tòi của tôi từ bé. Tôi nghĩ đấy chính là điều kì diệu của giáo dục mang lại. Nói không khoa trương, sách Tiếng Việt đã có định hướng, ảnh hưởng, tác động, tạo nên những thay đổi tích cực đến cuộc sống, sự nghiệp của những người học sinh thời ấy. 


Hồi đó, cái thời ăn cơm với đường, đi chân không, giày rơm, nhà còn nghèo... một cuốn sách được truyền tay nhau để học. Tôi học lại sách cũ mà ba mẹ đi xin, đến nỗi sách phải dán đi dán lại dày cộm gấp đôi cuốn sách bình thường. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, đôi khi hạnh phúc của học trò lúc đó chỉ là được ngửi mùi sách mới nên chúng tôi trân quý, nâng niu những trang sách giáo khoa, những trang sách đầu tiên dạy chúng ta nên người. Có rất nhiều kỉ niệm của tuổi thơ đã qua đi nhưng vẫn để lại bao ký ức khó phai của một thời hồn nhiên, trong sáng như những trang sách đầu tiên. Chính từ những điều ý nghĩa giản đơn, mà định hướng cho tôi quãng thời gian sau này. Tôi là đứa thích viết, thích đọc, ngày xưa, ba mẹ đi làm về khuya, thì bà nội sẽ là người đọc cho tôi nghe những câu chuyện trong sách, đó là bóng dáng cây dừa miền tây hay câu chuyện Trần Quốc Toản ra trận. Chắc chính vì thế, mà tôi học đánh vần, học đọc nhanh hơn các bạn một tí. Được giáo dục bởi tình thương của ba mẹ, ông bà và những bài đọc đậm tính giáo dục trong cuốn sách Tiếng Việt và may mắn, khi lớn hơn một tí, tôi đạt giải khuyến khích cuộc thi Văn cấp Tỉnh, thành tích đó tôi nghĩ xuất phát từ giá trị mà cuốn sách đầu đời mang lại, giúp cho bản thân yêu tiếng quê hương, định hướng được đam mê viết lách và hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân. 


Ngồi ở bàn làm việc, chăm chú nhìn qua khung cửa sổ, cảm thấy may mắn khi tôi đã từng có một tuổi thơ với những cuốn sách giáo khoa ngả màu vàng như nắng chiều nay. Giờ đây, tôi là giảng viên đại học, đã đọc rất nhiều sách, nhưng, hôm nay, khi chiêm nghiệm lại, tôi thấy, không một cuốn sách nào có thể mang đến cho tôi cảm giác gần gũi, thân thương như cuốn sách Tiếng Việt ngày ấy. Khi viết đôi dòng này, tôi đã lục tìm lại ký ức của một tuổi thơ dữ dội. Tôi lang thang trên mạng để tìm lại những cuốn sách cũ ngày xưa. Lâng lâng và xúc động là những cảm xúc chân thật khi tôi bắt gặp lại những trang sách cũ, nhiều bài tôi vẫn thuộc nằm lòng dùng đã gần 30 năm trôi qua, những bài thơ “Cái trống trường em”, “Làm anh”, “Chú bé liên lạc”… một lần nữa đưa tôi gặp lại tuổi thơ, nhớ lại những thời gian ở trường làng, bên đám bạn tíu tít. 
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ.
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ.
(Trích Cái trống trường em - Thanh Hào)


Đích đến cuối cùng của Giáo dục cốt yếu dạy cho học sinh nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dạy cho học sinh hiểu và nắm bắt được kiến thức, hứng thú với những điều được dạy, thì quan điểm của tôi, bộ sách này đã làm được những điều như thế.

Bây giờ, những cuốn sách giáo khoa cũ đã được thay thế, cải cách để phù hợp hơn với thời đại, tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu chuyện tranh cãi xoay quanh việc cải cách sách giáo khoa. Có người cho rằng, sách giáo khoa giờ khó học hơn, nội dung nhiều so với lứa tuổi các em. Tôi nhớ, có giai đoạn mạng xã hội, chia sẻ lại hình ảnh những cuốn sách giáo khoa ngày xưa, thế hệ 8x, 9x đời đầu lúc đấy như có chiếc vé quay về ôn lại tuổi thơ và có ý kiến mong muốn những cuốn sách ngày xưa trở lại trường học vì nó đơn giản và đầy đủ nội dung. Nhưng mỗi thời, mỗi khác, giá trị cuối cùng của cuốn sách mà người làm sách mang đến vẫn là hướng đến giáo dục, hướng đến học sinh, mong muốn các em nắm chắc kiến thức. Cuốn sách Tiếng Việt cải cách giờ đây lớn hơn, tranh vẽ nhiều màu sắc rực rỡ hơn, chứ không đơn giản như những cuốn sách giáo khoa một thời của thế hệ chúng tôi và chắc chắc một điều, nó sẽ để lại dấu ấn đậm sâu cho các cháu bây giờ giống như thế hệ chúng tôi nhớ về cuốn sách đầu tiên. Trong bài thi của tác giả Nguyễn Hằng Nga có câu tôi rất tâm đắc“Những ý kiến đóng góp là điều cần thiết để những cuốn sách cải cách sau phù hợp với thời đại hơn so với những phiên bản trước đó. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận rằng cuộc đời không có gì hoàn hảo, những cuốn sách giáo khoa cũng không hoàn hảo. Khi yêu những cuốn sách giáo khoa, tôi chấp nhận thương cả những điều không hoàn hảo.” Thời buổi công nghệ 4.0, đài truyền hình, phát thanh, phương tiện thông tin đại chúng, internet phát triển như vũ bão, kiến thức cập nhật liên tục, việc cải cách, cải biên sách giáo khoa là hợp thời đại, đúng xu hướng, để hòa mình cùng dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0. Vì thế, dù ở thời buổi nào, học cuốn sách giáo khoa nào, thì vẫn là những tinh hoa chắc lọc từ bao thế hệ người viết và làm sách, mong muốn mang lại giá trị giáo dục cao nhất.


Và tôi tin rằng, NXB Giáo dục Việt Nam và những người tâm huyết đối với lĩnh vực giáo dục, với mục đích cuối cùng là hướng tới đào tạo và phát huy tối đa thế mạnh của người học ở mọi cấp, với ắp đầy tính nhân văn, tinh thần giáo dục chủ nghĩa xã hội, trui rèn tình yêu gia đình, quê hương, đất nước và tinh thần dân tộc. Vì vậy, dù là sách giáo khoa thời nào, thì cũng sẽ mang lại những giá trị cốt yếu nhất định. Cho nên, hãy cứ tin và luôn ủng hộ NXB giáo dục Việt Nam, ủng hộ những người đang ngày đêm vì sự nghiệp giáo dục. 
 

Nguyễn Trung Kiên

Tags: Trang sách tôi yêu Nguyễn Trung Kiên Sách giáo khoa

Cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ sách cho học sinh tỉnh Cao Bằng

Thứ Sáu, 11/10/2024 | 09:26

Sáng ngày 10/10/224, đoàn công tác NXBGDVN đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Cốc Lỳ huyện Bảo Lâm và Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Pàng huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng.

Công khai tiêu chuẩn kĩ thuật vật tư phục vụ in SGD của NXBGDVN năm học 2025-2026

Thứ Năm, 10/10/2024 | 15:52

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công khai tiêu chuẩn kĩ thuật vật tư chủ yếu  phục vụ in sách giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng cho năm học 2025 -2026.

Thư mời chào giá dịch vụ về việc Duy tu, sửa chữa Phòng truyền thống tại tầng 11 tòa nhà 81 Trần Hưng Đạo

Thứ Tư, 09/10/2024 | 16:52

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có nhu cầu duy tu, sửa chữa Phòng truyền thống tại tầng 11 tòa nhà 81 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Thư mời báo giá dịch vụ về việc thẩm định giá cho thuê sàn văn phòng, thương mại dịch vụ số 2 tầng 4 tại tòa nhà Diamond Flower có địa chỉ: số 48 đường Lê Văn Lương, khu đô thị mới N1, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Thứ Tư, 09/10/2024 | 16:10

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có nhu cầu thẩm định giá cho thuê  sàn văn phòng, thương mại dịch vụ số 2 tầng 4 tại tòa nhà Diamond Flower