Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Thư viện trường học - bao giờ hấp dẫn?

Thứ Ba, 20/05/2014 | 16:17

Số lượt xem: 40915

 

 

Tự học tập, rèn nhân cách

Thư viện trường học là một trong những cơ sở vật chất trọng yếu của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện cả nước có gần 23 nghìn thư viện trường học, trong đó có 12 nghìn thư viện đạt chuẩn. Thư viện có thể góp phần giải quyết những vấn đề lớn còn tồn tại trong giáo dục hiện nay. Học sinh tự học tại thư viện sẽ giảm bớt dạy thêm, học thêm. Học sinh đọc sách nhiều là một trong những phương pháp tự rèn nhân cách. Cha mẹ sẽ yên tâm khi con em mình ngồi trong thư viện hơn là thấy con la cà ở quán cà phê, hàng internet. Đọc sách giúp các em tránh xa những cám dỗ dễ khiến chúng hư hỏng.

 

Cô giáo Hoàng Thị Hiền, Trường THCS Giang Biên (Gia Lâm - Hà Nội) thí sinh đoạt giải xuất sắc trong phần thi giới thiệu sách.

Tuy nhiên, thư viện trường học hiện có nhiều "khuyết tật". Đó là các nguồn kinh phí dành cho thư viện còn quá ít nên cơ sở vật chất của thư viện thiếu thốn, những tủ sách cần thiết trong nhà trường như: tủ sách đạo đức, văn học, pháp luật, kỹ năng sống… chưa được đầu tư xây dựng, chưa nói gì đến việc hiện đại hóa và vi tính hóa… Dù số trường học có thư viện lên đến 94%, nhưng vẫn còn 6%, tương đương 1.588 trường chưa có thư viện, nghĩa là giáo viên, học sinh khó có điều kiện tiếp cận với sách tham khảo để dạy hay hơn, học tốt hơn. Những nơi có thư viện thì cũng chỉ có hơn nửa có giáo viên chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm, với chế độ phụ cấp rất khiêm tốn. Trong khi đó, áp lực đời sống, ở nông thôn là lao động để giúp đỡ cha mẹ, ở thành phố là học thêm, cùng với sự "lấn chiếm" của các loại hình văn hóa khác, khiến cho học sinh không còn thời gian để đến với thư viện hoặc đọc sách. Mỗi nguyên nhân "góp sức" và tương tác lẫn nhau làm cho thư viện ngày càng lạc hậu, sách ngày càng "già" đi, chưa ngang tầm với giáo dục, chưa tương xứng với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Xây "cầu" bằng gì?

Để làm cho những cuốn sách trở thành những người bạn gần gũi của giáo viên và học sinh, những cán bộ, giáo viên thư viện trường học phải rèn cho mình khả năng nói trước đám đông, biết cách nói sao cho thuyết phục, gợi sự tò mò để lôi cuốn người khác tìm đọc. Họ cũng phải thành thạo trong việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại, để biến những tri thức đang nằm im trong các trang sách đến được với giáo viên và học sinh. Các thí sinh đến với hội thi đã phần nào đáp ứng được những đòi hỏi đó, để giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa phải ngạc nhiên: "Tôi không nghĩ rằng lại có nhiều cô giáo phụ trách thư viện có thể giới thiệu hay, truyền cảm, hấp dẫn đến thế". Khắt khe hơn, nhưng Trưởng ban giám khảo Nguyễn Sĩ Sáu cũng cho rằng, "không bị khớp, không lo sợ về sự trùng lắp đề tài giới thiệu, các thí sinh đã tạo cho hội thi một hình ảnh sinh động, giàu cảm xúc, lạc quan và tự tin. Cùng giới thiệu các cuốn sách về chủ đề biển đảo Việt Nam, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về kỹ năng sống… nhưng không ai giống ai, không ai trùng lặp với ai". Họ cũng mang về hội thi những sáng kiến, kinh nghiệm có được từ thực tế công tác tại thư viện nhà trường, để cùng chia sẻ và cùng học hỏi. Đó thực sự là sự nỗ lực của đội ngũ những người làm "cây cầu" nối giáo viên, học sinh với thư viện và sách.

Hội thi đã khép lại, nhưng những dư âm sẽ còn đọng mãi trong các thầy cô giáo tham gia dự thi. Trở về với công việc thường ngày của một cán bộ, giáo viên thư viện, nhưng một câu hỏi vẫn còn để mở. Đó là trong tương lai không xa, thư viện không chỉ là những dãy kệ sách mà còn là những thiết bị gọn nhẹ, những bản sách số giàu tương tác. Liệu những người quản lý, cán bộ, giáo viên thư viện sẽ chuẩn bị sao đây cho kịp sự phát triển?

Chia tay hội thi, họ cũng gửi lại cho những nhà quản lý những tâm sự, trở trăn về nghề nghiệp. Để xây những "cây cầu" vững chãi phải quan tâm hơn đến quyền lợi vật chất và tinh thần của đội ngũ làm công tác thư viện trường học. Làm được điều đó sẽ động viên được cán bộ, giáo viên thư viện trường học - những người thầy đặc biệt - phát huy hết khả năng của mình để biến thư viện thành nơi giáo viên và học sinh tìm đến mỗi ngày tới trường.

Vũ Vân

Cùng chuyên mục

Hội thảo tập huấn báo cáo viên bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 5, 9, 12

Chủ Nhật, 12/05/2024 | 09:39

Từ ngày 7/5 đến ngày 19/5, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn BCV bồi dưỡng GV sử dụng SGK lớp 5, 9, 12 theo Chương trình 2018.

Thưởng thức âm nhạc từ… SGK

Thứ Bảy, 11/05/2024 | 09:37

Nói đến việc giáo dục, hay đào tạo âm nhạc, nhiều người nghĩ ngay đến mục tiêu có thể chơi được một loại nhạc cụ, hoặc có thể hát,

Văn không cần dài!

Thứ Sáu, 10/05/2024 | 09:28

Thỉnh thoảng, những đề văn dài dòng, tối nghĩa, vẫn được dư luận hoặc mạng xã hội phản ánh. Những đề văn như vậy không phải là “tai nạn”, mà cần phải được giảm thiểu triệt để, giúp học sinh có cách tiếp cận phù hợp với môn Ngữ văn.

Để ‘tích hợp’ nhẹ nhàng

Thứ Năm, 09/05/2024 | 08:30

Theo TS Trần Nguyên Lập, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT TP. Nha Trang, việc triển khai giáo dục tích hợp là phù hợp với xu thế, các nền giáo dục tiên tiến đã triển khai và mang lại hiệu quả toàn diện.