Sách và Văn hoá đọc » TÀI LIỆU NGÀNH

Thư viện trong kỷ nguyên xuất bản điện tử

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:16

Số lượt xem: 2789

“Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, giờ là thời kì thú vị nhất của nghề thủ thư.' Jamie LaRue, người phụ trách hệ thống thư viện công cộng của hạt Douglas, bang Colorado (Mỹ) nhận định như vậy. Ông là nhà vận động, là gương mặt của một phong trào quốc gia nhằm chuyển đổi vai trò của thư viện từ một nơi bạn đọc tới để mượn những cuốn sách đang ăn khách của các nhà xuất bản lớn thành nơi ươm mầm cho các cây bút tài năng nhưng ít hoặc chưa có tên tuổi trong cộng đồng. “Chưa bao giờ nghề viết lại có sinh lực dồi dào như hiện nay. Đó là cơ hội to lớn dành cho ngành thư viện nếu chúng ta nắm bắt lấy, nếu chúng ta đủ mạnh dạn định vị lại mình. Còn nếu không sẵn lòng làm điều này, chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề. Theo thời gian, vai trò của thư viện sẽ ngày một mai một.  Tới một lúc nào đó, chúng sẽ không còn tồn tại nữa. Đây là vấn đề thích nghi hay là chết.' 

Cơ hội và thách thức mà ông LaRue đề cập là làn sóng phát triển của ngành xuất bản điện tử. Cùng với tỉ lệ sở hữu thiết bị máy tính bảng và máy đọc sách (e-reader) của người dân Mỹ tăng mạnh trong vài năm gần đây, các nhà xuất bản và các hệ thống phát hành đang gia tăng việc cung ứng nguồn sách điện tử (ebooks) cho họ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2014, có khoảng 28% người Mỹ trưởng thành đọc ít nhất một cuốn sách ở dạng điện tử. Và theo số liệu của Hiệp hội Xuất bản Mỹ thì kể từ quý 1 năm 2012, doanh số sách điện tử tại Mỹ đã vượt doanh số sách bìa cứng.

 Trong tiến trình này, dường như thư viện đang yếu thế. Nhận thức được sự dịch chuyển trong cách khai thác sách của bạn đọc, giới thư viện Mỹ rất nỗ lực để có thể cung cấp cho họ những tựa sách ở dạng số hóa. Mặc dù có tới hơn ba phần tư đã xây dựng được nguồn tư liệu điện tử, nhưng các thư viện đang vấp phải sự kháng cự mãnh liệt từ các nhà xuất bản lớn trên phương diện giá cả và quyền truy cập. Một số nhà xuất bản không bán sách điện tử cho thư viện hoặc hạn chế những tựa sách điện tử mà thư viện có thể mua. Họ cũng bán với giá khá cao, đặc biệt nếu so với tỷ lệ chiết khấu truyền thống khoảng 50% mà thư viện được hưởng khi mua sách giấy. Kèm theo đó, giao dịch thường đi với chính sách giới hạn truy cập đầy phiền hà như hạn chế số người đọc đồng thời, quy định thời gian hoặc số lượt truy cập tối đa mà thư viện có thể phục vụ. Nếu vượt quá giới hạn này, thư viện sẽ phải trả tiền để gia hạn sử dụng ấn phẩm.

Các nhà xuất bản muốn bán sách điện tử trực tiếp cho bạn đọc hơn. Họ cho rằng một khi bạn đọc nhận thấy việc mượn sách điện tử tại thư viện là miễn phí và quá thuận tiện vì họ thậm chí không cần bước chân khỏi nhà, bạn đọc sẽ không mua sách nữa. Bên cạnh đó, sách điện tử không bị rách nát khi lưu thông nên thư viện sẽ không phải thay thế chúng sau một thời gian như sách giấy. Vì vậy bán sách điện tử cho thư viện có thể gây thất thu cho ngành xuất bản.

Để dung hòa lợi ích và kết nối các bên, OverDrive và những dịch vụ tương tự đóng vai trò là nhà phân phối trung gian sách điện tử cho hệ thống thư viện. OverDrive hiện cung cấp khoảng 2.6 triệu tên sách của khoảng 5000 nhà xuất bản lớn nhỏ, gồm sách điện tử, sách nói, video và tạp chí điện tử. Hơn 33.000 thư viện trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 90% thư viện công cộng ở Mỹ, đang sử dụng OverDrive làm hệ thống cung cấp nội dung số cho bạn đọc của mình.

  Bất chấp những khó khăn và tốn kém trong việc phát triển vốn tư liệu số, giới thư viện vẫn nhìn nhận sách điện tử sẽ giúp cho họ duy trì sự phát triển của ngành trong kỉ nguyên khi mà các cuốn sách bìa cứng sẽ dần đi vào lịch sử giống như những bản thảo viết tay được sơn son thiếp vàng trong quá khứ.

Nhưng xuất bản điện tử cũng mang lại một cơ hội lớn cho thư viện. Do việc biên soạn một cuốn sách điện tử cắt giảm được nhiều chi phí như giấy và công in và thời gian để nó tiếp cận với thị trường cũng được rút ngắn do không phải chuyển qua một mạng lưới trung gian phát hành nên sách điện tử được xuất bản nhiều và nhanh hơn. Các tác giả giờ đây có thể tự quyết định số phận đứa con tinh thần của mình thay vì chờ đợi sự gật đầu của các nhà xuất bản tên tuổi. Nếu lựa chọn xuất bản điện tử, các cây bút sẽ hoàn toàn chủ động và dễ dàng đưa sách của mình tới cộng đồng bạn đọc khắp thế giới qua các dịch vụ trực tuyến. Vì vậy, thư viện có thể tìm kiếm thêm nguồn ấn phẩm điện tử từ các nhà xuất bản nhỏ hay thậm chí là các tác giả cá nhân, dù rằng chất lượng và mức độ ăn khách của các tác phẩm này có thể không bằng.

Với LaRue, tầm nhìn của thư viện sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Theo ông, chúng ta đang chứng kiến thư viện trong sự chuyển dịch vai trò cơ bản, đó là trở thành tác nhân đưa cộng đồng từ vị trí của những người tiêu dùng nội dung trở thành những người tạo ra nội dung. Biên giới tiếp theo sẽ là thư viện đóng vai trò của một đơn vị xuất bản điện tử. Một thư viện của trường đại học hay viện nghiên cứu có thể chia sẻ và kinh doanh các công trình nghiên cứu, luận án, tư liệu thuộc tổ chức của mình dưới dạng ấn phẩm số. Hay một thư viện công cộng cũng đồng thời là cổng xuất bản điện tử cho cộng đồng tác giả địa phương, kết nối các cây bút nghiệp dư, các biên tập viên không chuyên, các họa sĩ thiết kế trang bìa và thậm chí cả các nhà phân phối sách điện tử, giúp biến hàng ngàn sáng tác cá nhân đang được lưu trữ dưới dạng văn bản Word trong ổ cứng máy tính của mọi người thành các ấn phẩm có tính chuyên nghiệp được phổ biến.

Tại Việt Nam, xuất bản điện tử đã có những bước phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây theo xu hướng chung của thế giới. Về nguồn cung, đồng thời có sự ra đời của cả mô hình đại lí trung gian sách điện tử như Alezza, Lạc Việt, Miki cũng như các dịch vụ chuyên biệt gắn với một nhà xuất bản hoặc một loại hình ấn phẩm cụ thể như YBook của NXB Trẻ hay Classbook của NXB Giáo dục. Về phía cầu, một bộ phận người tiêu dùng, vốn đã trang bị cho mình những sản phẩm công nghệ tiên tiến như máy tính bảng và điện thoại thông minh đời mới nhất, cũng đang cần tìm những nguồn nội dung hấp dẫn và bổ ích để tải về và khai thác trên thiết bị của họ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại và thiếu đồng bộ trong việc kết nối giữa cung và cầu. Đó là việc chi trả cho ấn phẩm điện tử chưa thực sự trở thành thói quen của tâm lí tiêu dùng; là sự kém phổ biến và chi phí cao của hạ tầng thanh toán trực tuyến; là ý thức tôn trọng bản quyền không tốt làm các nhà xuất bản và các tác giả ngần ngại do dự và trên hết, văn hóa đọc của đại chúng vẫn là một yếu tố cần được tiếp tục nâng cao.

Trong bối cảnh này, vai trò của cộng đồng thư viện vẫn chưa thực sự rõ nét. Những cơ hội và thách thức mà thư viện Việt Nam đối mặt cũng tương tự với những gì mà thư viện ở các nơi khác trên thế giới đối mặt. Thư viện cần kết hợp với tất cả các bên liên quan, các nhà xuất bản, các công ty công nghệ, các nhà cung cấp sách điện tử để chủ động tạo ra những mô hình dịch vụ mới cho bạn đọc khi phương thức xuất bản và phương thức đọc của xã hội đang có những dịch chuyển.

Nói như Jamie LaRue: 'Nếu bạn muốn thư viện của mình trở thành một phần trong sự phục hưng này, thì đó là điều bạn phải làm.'

 Nguồn:

  • Pew Research Center (http://www.pewinternet.org/)
  • http://www.governing.com/
  • http://www.overdrive.com/

Phạm Thúc Trương Lương

Cùng chuyên mục

Một số suy nghĩ về hoạt động của thư viện trường học trong tuần lễ học tập suốt đời

Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:00

Vào năm 1945, các quốc gia thành lập nên tổ chức UNESCO cùng ký vào một văn bản thoả thuận chung

Vai trò của cán bộ thư viện trường học trong xã hội hiện đại

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:13

Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đang thay đổi chóng mặt với rất nhiều những cải tổ về công nghệ ở mọi lĩnh vực và sự bùng nổ thông tin. Những thay đổi này đặt ra những thách thức về việc định hướng, chọn lọc thông tin và ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa đọc, văn hóa nghe - nhìn của học sinh. Chính vì vậy, cán bộ thư viện (CBTV) trường học phải là người năng động và sáng tạo, nắm giữ nhiều vai trò quan trọng với nhiều kỹ năng khác nhau mới có thể thực hiện tốt công việc của mình.