Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018: Lịch sử và Địa lí lớp 4 có gì mới

Thứ Năm, 09/03/2023 | 09:30

Số lượt xem: 2934

Từ năm học 2023 – 2024, lớp 4 sẽ thay sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018). Với môn học Lịch sử và Địa lí, liệu có thay đổi như thế nào so với chương trình cũ?
TS Trần Thị Hà Giang, đồng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã có chia sẻ về cuốn SGK này.

Lịch sử & Địa lí là môn học không mới ở lớp 4. Nhưng theo chương trình mới thì mạch kiến thức của môn này có những điểm gì khác so với Chương trình cũ ?

Tuy cùng là môn học có tên là “Lịch sử và Địa lí” nhưng mạch nội dung giữa chương trình mới so với chương trình cũ có sự khác biệt rất lớn. Ở Chương trình 2006, môn Lịch sử và Địa lí được triển khai gần độc lập bám theo đặc trưng của mỗi phân môn:

Phần Lịch sử tuân thủ trục thời gian của Lịch sử Việt Nam từ thời kì đầu dựng nước.

Phần Địa lí phân chia theo không gian hiện tại của các vùng miền Việt Nam.

Thực nghiệm SGK lớp 4 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) tại Trường Tiểu học Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương

Ở chương trình 2018, mạch kiến thức thay đổi lớn do quan điểm tích hợp và quan điểm toàn vẹn lãnh thổ trong dạy học Lịch sử và Địa lí. Các nội dung lịch sử và địa lí được sắp xếp theo một logic là sự mở rộng dần về không gian (không gian tự nhiên và không gian xã hội) từ gần đến xa. Lớp 4 mở đầu bằng không gian quen thuộc với các em học sinh. Đó là địa phương em (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), rồi lần lượt đến các vùng miền của đất nước (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ).

TS Trần Thị Hà Giang

Tính tích hợp liên môn giữa lịch sử và địa lí được thể hiện khá rõ trong các mạch kiến thức (Sông Hồng và văn minh sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội, cố đô Huế,…).

Ở các lớp 1,2,3, học sinh học môn Tự nhiên và xã hội. Lên lớp 4 học môn Lịch sử và Địa lí. Bà cho biết có sự kết nối gì giữa 2 môn học này không ?

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí có sự kết nối với Chương trình môn Tự nhiên và xã hội, đặc biệt thông qua các chủ đề về “Cộng đồng địa phương” và “Trái đất và bầu trời”. Những hiểu biết ban đầu ở lớp 1,2,3 về cuộc sống xung quanh, hiểu biết đơn giản về các hiện tượng địa lí tự nhiên… sẽ là tiền đề để học sinh tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và địa lí địa phương, các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam ở lớp 4.

Trên cơ sở của Chương trình, SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã có sự kế tiếp nhất quán với môn Tự nhiên và Xã hội mà học sinh đã được học trước đó:

Các bài học ở SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4 được thiết kế thống nhất với cấu trúc bài học mà học sinh đã quen thuộc ở môn Tự nhiên và xã hội lớp 1,2,3. Trong đó học sinh lần lượt trải qua các hoạt động học tập quen thuộc như Khởi động, Khám phá, Luyện tập và thực hành, Vận dụng.

Nội dung được kết nối mở rộng không gian từ hiểu biết ban đầu ở cộng đồng địa phương ở mức độ hẹp là cộng đồng xung quanh đến mức độ rộng hơn là địa phương (cấp tỉnh/ thành phố) nơi học sinh đang sống rồi đến các vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các hoạt động học trong sách tạo cơ hội để học sinh lấy được các ví dụ liên hệ thực tế đã trải nghiệm ở trong môn Tự nhiên và xã hội lớp 1,2,3 đưa vào các bài học ở môn Lịch sử và Địa lí lớp 4.

Điểm quan trọng nhất cần lưu ý khi dạy học môn này là gì, thưa bà?

Là một môn học tích hợp, bên cạnh việc quan tâm tới sự sắp xếp nội dung tích hợp thì có lẽ điều quan trọng nhất khi dạy môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 là giáo viên phải triển khai được các phương pháp, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học tích hợp.

Với thiết kế sao cho SGK là sản phẩm để giáo viên dễ dạy và học sinh dễ học, cuốn sách môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã có những gợi ý cụ thể để giáo viên có những phương án khác nhau triển khai dạy học theo quan điểm tích hợp. Ví dụ như khi triển khai bài 2 “Thiên nhiên và con người địa phương em”, SGK đã đưa ra sơ đồ (trang 13), thuận lợi kết hợp với “Tài liệu giáo dục địa phương” và hiểu biết của bản thân học sinh để hoàn thiện sơ đồ theo cá nhân hoặc theo nhóm. Từ hoạt động học mang tính tích hợp, các năng lực tích hợp của học sinh được thể hiện.

Có điểm gì khác trong cách biên soạn SGK Lịch sử và Địa lí 4 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống so với các bộ SGK khác?

Thực tế các bộ sách đã được phê duyệt đều được biên soạn đảm bảo chương trình, các bài học đảm bảo từng yêu cầu cần đạt cụ thể. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở mạch ý tưởng thiết kế các bài học, phương pháp dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá, các tranh ảnh và lược đồ trong sách...

SGK môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là cuốn sách được biên soạn nhằm chuyển hóa được các kiến thức, kỹ năng Lịch sử và Địa lí được học ở trên lớp, học trong sách vở thành năng lực áp dụng vào thực tiễn. Trong các bài học, không chỉ có phần “Vận dụng” ở cuối bài, việc vận dụng được khuyến khích thực hiện ở hầu hết các nhiệm vụ học tập khác nhau của các bài học thông qua liên hệ thực tế, thể hiện ý kiến/ quan điểm/ ý tưởng và khả năng đóng góp của mỗi học sinh trong cộng đồng.

Hệ thống phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá ở mỗi cuốn sách từ đó mang màu sắc riêng. Với SGK môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, các phương pháp dạy học tích cực được đưa ra nhằm triển khai các hoạt động học tập dựa trên khám phá, học tập dựa trên nhiệm vụ và có kết cấu logic với các hoạt động thực hành, vận dụng kèm theo trong từng bài học.

Các câu chuyện lịch sử và tư liệu lịch sử trong sách được chọn lọc kĩ lưỡng, lược đồ được thiết kế đẹp, khoa học, nổi bật là một điểm mạnh của sách giúp giáo viên và học sinh khai thác nội dung chuyên môn đặc thù Lịch sử và Địa lí thuận lợi.

Cảm ơn bà!

P.V

Nguồn: Báo Tiền phong

Cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị  tập huấn công tác thiết bị dạy học các lớp 5, 9 và 12

Thứ Hai, 22/04/2024 | 15:55

Vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng Thiết bị dạy học (TBDH) lớp 5, 9, 12 theo chương trình GDPT 2018 tại TP. Hồ Chí Minh.

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM TRAO TẶNG SÁCH GIÁO KHOA, ĐỒ DÙNG HỌC TẬP CHO HỌC SINH GỐC VIỆT TẠI CAMPUCHIA

Thứ Hai, 22/04/2024 | 11:07

Ngày 18/4/2024, đoàn công tác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đến thăm và trao tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh gốc Việt đang sinh sống, học tập tại Campuchia.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh: Thách thức sự sáng tạo, đổi mới của giáo viên

Thứ Bảy, 20/04/2024 | 08:22

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh đã thực sự trở thành sân chơi có ý nghĩa thiết thực, tạo làn sóng sôi động trong đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn Tiếng Anh.