Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà văn Nguyễn Chí Ngoan: Đưa chiếc xuồng ba lá đến gần độc giả hơn

Thứ Năm, 27/06/2024 | 09:15

Số lượt xem: 457

Nguyễn Chí Ngoan là một nhà văn, một thầy giáo tiểu học độ tuổi 9X ở tỉnh Kiên Giang, được ghi nhận ở cả mảng văn học dành cho thiếu nhi và người trưởng thành. Ngoài thế mạnh văn xuôi với giải Khát vọng Dế Mèn lần 1 - 2020, cây bút này còn sáng tác và đoạt giải thưởng thơ.

Tác giả của Xuồng ba lá quê tôi trong Tiếng Việt 5, tập 2, bộ kết nối tri thức và cuộc sống chia sẻ niềm vui của mình khi có tác phẩm viết về vùng quê thân yêu được đưa vào sách giáo khoa.

May mắn được tiếp xúc nhiều với học sinh

* Tác phẩm "Xuồng ba lá quê tôi" vẽ một nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước. Được biết anh là thầy giáo tiểu học, một lúc nào đó sẽ dạy chính tác phẩm của mình thì thế nào?

- Đến tận bây giờ tôi vẫn không dám nghĩ sẽ có ngày tác phẩm của mình được đưa vào sách giáo khoa. Đó là niềm vui rất lớn. Bởi tôi đã đưa hình ảnh chiếc xuồng ba lá đến gần độc giả hơn. Một vật dụng gắn liền với biết bao thế hệ người dân sông nước miền Tây. Để dù có đi xa, hình ảnh của chiếc xuồng ba lá vẫn còn neo đậu bến quê, chờ đợi những cuộc trở về.

Nhà văn Nguyễn Chí Ngoan

Bản thân là thầy giáo nên khi tác phẩm của mình được đưa vào giảng dạy, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Bạn bè, đồng nghiệp cũng bắt đầu tìm đọc các tác phẩm của tôi nhiều hơn. Ngay cả học sinh cũng nhờ tôi chia sẻ thêm "bí kíp" làm văn, đọc cho tôi nghe những bài tập làm văn vừa mới viết. Đó cũng là động lực để tôi có thể viết tiếp những dự định còn đang dang dở.

* "Xuồng ba lá quê tôi" đã đi vào sách giáo khoa như thế nào?

- Tác phẩm này tôi viết đã khá lâu và được in trong tập tản văn Mưa miền đất mặn (NXB Kim Đồng). Và thật may mắn, khi đi tìm ngữ liệu cho bộ sách mới, các nhóm tác giả đã đọc được tác phẩm này. Chúng tôi cùng nhau ngồi lại, chọn lựa ngữ liệu, hình ảnh phù hợp để giữ được tinh thần, cốt cách của người dân Nam bộ, cũng như hình ảnh của chiếc xuồng ba lá. Ngay việc chọn hình ảnh minh họa cũng được chúng tôi trao đổi kỹ lưỡng. Bởi, ở miền Tây có rất nhiều loại xuồng: xuồng ba lá, xuồng năm lá, xuồng Bà Đài, xuồng cui, xuồng Cần Thơ...

* Việc sáng tác và công việc giảng dạy tiểu học có hỗ trợ qua lại gì không?

- Nhiều khi tôi thấy mình may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với học sinh. Thông qua các em, tôi như thấy lại chính tuổi thơ của mình. Những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười trong trẻo, những câu chuyện hồn nhiên là chất liệu quý báu mà tôi không thể tìm ở đâu được.

Bên cạnh đó, những câu chuyện của đồng nghiệp, phụ huynh học sinh cũng giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống. Mỗi ngày đến trường, tôi cũng được học thêm những điều mới mẻ, từ chuyện đồng áng, vuông bờ đến chuyện đời, chuyện người ở vùng đất mình đang sống. Tôi nhặt nhạnh chúng, bện thành những câu chuyện, những nhân vật trong tác phẩm.

"Có hôm đi làm về mệt rã rời, nhưng trong đầu lại hiện ra những gương mặt người xa lạ, họ hồn nhiên đứng bên đời, nói cười rôm rả. Thế là tôi lại ngồi vào bàn, viết những câu chuyện về họ" - Nguyễn Chí Ngoan.

"Yêu hơn vùng đất mình đang sống"

* Vừa viết văn cho người lớn, vừa viết cho thiếu nhi và được ghi nhận ở cả 2 mảng đề tài này. Với anh, viết mảng nào thì được trải lòng mình nhiều hơn?

- Với tôi, mỗi thể loại là cánh cửa mở ra một thế giới mới. Nếu viết cho thiếu nhi tôi được hóa thân thành đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Thì khi viết cho người lớn, tôi như bắt gặp chính những con người bằng xương, bằng thịt đang kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời họ.

Tôi thường không có dự định sẽ viết cho thiếu nhi hoặc cho người lớn trước. Bởi khi câu chuyện nào "đầy", tôi sẽ viết trước. Ở mỗi thể loại tôi lại được sống những cuộc đời khác nhau. Có khi điều đó lại giúp tôi cân bằng được cảm xúc của mình, không cảm thấy áp lực hoặc quá nặng nề trong viết lách.

Hai trang sách “Xuồng ba lá quê tôi”

Thú thật thì đến tận bây giờ, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ theo đuổi nghiệp văn chương. Bởi lúc đi học, tôi học văn không được tốt lắm. Nhưng tôi lại có thói quen đọc sách. Từ việc đọc sách, chỉ để đọc chữ nhanh hơn, viết bớt sai lỗi chính tả. Tôi trở thành mọt sách, đắm mình trong thế giới của các nhân vật. Và mỗi khi đóng một quyển sách lại, tôi lại muốn viết ra những câu chuyện cho riêng mình. Tới khi bước vào nhà sách, tôi lại bắt đầu mơ đến một ngày nào đó, sách của mình sẽ được trưng bày trên kệ. Và rồi những câu chuyện cứ thế mà nối tiếp nhau…

* Là tác giả trẻ ở miền Tây, anh gặp khó khăn hoặc thuận lợi gì?

- Tôi nghĩ ở miền Tây Nam Bộ, có rất nhiều thứ "kể hoài không hết", chỉ là người viết chọn cách kể nào, viết ra làm sao. Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở các thế hệ nhà văn đi trước và thấy yêu hơn vùng đất mình đang sống. Những trang văn đẹp đến nao lòng nhưng chất chứa một nỗi buồn, đau đáu của xứ sở.

Khi quyết định theo nghiệp văn chương, tôi cũng bắt đầu đọc nhiều thể loại hơn thay vì một dòng văn học mà mình thích. Và các thế hệ nhà văn đi trước đã phác họa khung cảnh miền Tây nghĩa tình, thảo thơm và đầy hào sảng.

Tác phẩm “Xuồng ba lá quê tôi” rút từ tập tản văn “Mưa miền đất mặn”

Như bạn biết đấy, số lượng nhà văn sống được bằng nghề viết chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đa số các nhà văn viết bằng đam mê, nên họ còn phải lo toan nhiều thứ cho cuộc sống. Tuy nhiên, dù có làm những công việc khác nhau thì sức viết và bản lĩnh của các nhà văn cũng không bị chi phối quá nhiều. Bằng chứng là ở những tác phẩm tạo được dấu ấn gần đây, nghề viết văn gần như là nghề tay trái của nhiều người.

Tôi cũng phải sắp xếp thời gian và cân bằng công việc rất nhiều thì mới ngồi vào bàn viết được. Có hôm đi làm về mệt rã rời nhưng trong đầu lại hiện ra những gương mặt người xa lạ, họ hồn nhiên đứng bên đời, nói cười rôm rả. Thế là tôi lại ngồi vào bàn, viết những câu chuyện về họ.

Tập truyện dài “Căn cước U Minh” phát hành năm 2023

"Chẳng ai viết giùm tôi những câu chuyện của riêng mình"

* Đọc trang viết của anh cũng thấy phảng phất nỗi buồn các thân phận miền sông nước. Anh có ngại điều này sẽ khiến mình bị ngầm so sánh với một cái bóng quá lớn - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư? 

- Thật ra khi viết thì tôi nghĩ nhiều đến câu chuyện, nhân vật và đời sống của những người mà tôi từng bắt gặp hơn là phải đắn đo việc bị so sánh với ai. Trong cuộc sống, sẽ luôn có những phận đời bất hạnh, nổi trôi. Ở xứ tôi cũng có và tôi nghĩ mình cần phải viết ra những câu chuyện đó. Bởi vì: Chẳng ai viết giùm tôi những câu chuyện của riêng mình.

Tập truyện ngắn “Rồi nắng cũng lẻ loi” phát hành năm 2022

Khi viết một tác phẩm nào đó, tôi luôn muốn độc giả hình dung được vùng đất và con người nơi tôi sinh sống. Và những thân phận con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngừng lấp lánh. Đó có thể là hoài niệm về tuổi thơ, những mảng ký ức mờ, những nhân vật đời thường mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Nhưng thông qua đó, tôi muốn gửi gắm đến bạn đọc những giá trị của đời sống, mà có giây phút nào đó, người ta lơ đễnh quên đi.

* Vậy cuốn sách đang/ sắp viết của anh là gì?

- Tôi thường không có dự định rõ ràng trong văn chương. Lúc tôi cảm thấy mình viết được thì công việc lại quá nhiều. Lúc rảnh rỗi, thì tôi lại thấy mình rỗng không. Ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ chờ cho những ý tưởng thật chín muồi.

Hơn nữa, mỗi khi ngồi vào bàn viết, tôi muốn mình gạt hết những âu lo đời thường, điềm nhiên cùng chữ nghĩa. Hy vọng rằng trong thời gian tới tôi sẽ cân bằng được công việc dạy học và viết lách, để hoàn thành một quyển sách nào đó. Thú thật khi thấy bạn bè quanh mình ra sách mới, tôi cũng nôn nao lắm!

* Cảm ơn anh!

Vài nét về Nguyễn Chí Ngoan

Sinh ngày 22/2/1991 tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Hiện dạy học tại Trường Tiểu học Thuận Hòa 1, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Tác phẩm đã xuất bản: Bến chờ (tập truyện ngắn, 2019), Mưa miền đất mặn (tản văn, 2021), Rồi nắng cũng lẻ loi (tập truyện ngắn, 2022), Căn cước U Minh (truyện dài, 2023)…

Các giải thưởng: Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2019 trao cho Bến chờ; Giải Khát vọng Dế Mèn lần 1, năm 2020 trao cho tập bản thảo truyện ngắn Mộng giang hồ

 

VÕ THU HƯƠNG (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.