Media » Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa

Nhà văn Di Li: 'Nhãn quan càng rộng mở càng thấy mình nhỏ bé'

Thứ Tư, 29/05/2024 | 17:03

Số lượt xem: 651

Nhà văn Di Li được đánh giá là một trong những cây bút dám dấn thân với thể loại truyện trinh thám. Thế nhưng, chị viết du ký cũng nhiều và hấp dẫn không kém. Một đoạn trích trong cuốn du ký Bình minh ở Sahara đã được chọn đưa vào sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, với tựa là Xin chào, Xa-ha-ra.

Di Li đã lặn lội qua hơn 50 nước, mỗi nơi đều đem đến nhiều cảm xúc khác nhau, nên chị còn biết làm gì ngoài việc viết về chúng.

Chia sẻ cảm hứng khám phá thế giới

* Thưa chị, nhờ chị chia sẻ về hoàn cảnh và cảm xúc của chị khi viết cuốn "Bình minh ở Sahara "nói chung và đoạn trích "Xin chào, Xa-ha-ra" trong sách "Tiếng Việt 5"?

- Tôi thường viết du ký sau mỗi chuyến đi như một cách để lưu lại ký ức. Bình minh ở Sahara chính là hồi ức bằng văn bản sau chuyến đi sa mạc của tôi hồi năm 2017. Đó là một cảm xúc vô cùng kỳ diệu, vì lần đầu tiên tôi nghe đến sa mạc Sahara là hồi đi học. Lúc ấy nghĩ nó rất xa xôi, rất vĩ đại, đường đi rất trắc trở, cần sức khỏe tốt, mình sẽ không bao giờ đến được, nhưng không vì thế mà thôi mơ mộng. Rồi tôi đã đứng trước nó, ngay trong lòng sa mạc Sahara, còn cưỡi lạc đà và ngủ lều trên đó. Khoảnh khắc ấy tôi lại nghĩ đến ước mơ thời thơ ấu của mình.

Nếu hơn 30 năm trước có một nhà tiên tri bảo rằng sau này tôi sẽ đến được sa mạc lớn nhất thế giới thì chắc tôi cũng chẳng tin đâu. Chính vì thế, khi trích đoạn được in trong sách Tiếng Việt 5, tôi nghĩ ngay đến phiên bản Di Li thời thơ ấu. Rồi nghĩ rằng sẽ có biết bao nhiêu em nhỏ nuôi mơ ước và làm dày thêm khát khao hiểu biết khi học trích đoạn này. Giống như tôi thuở ấy vậy.

Không gì làm dày thêm trí tưởng tượng và mơ ước bằng những trang văn. Đó chính là tiền đề của người viết văn vậy.

Nhà văn Di Li

* Cảm hứng lớn nhất của chị khi viết thể loại du ký là gì?

- Mọi người xung quanh rất thích nghe tôi kể chuyện về những vùng đất đã đi qua. Thi thoảng trong các bữa tiệc tối, tôi cũng hay góp vui bằng những câu chuyện như vậy. Nhưng chỉ kể miệng trong vài phút thì sẽ không hết nhẽ. Tôi viết sách vừa như một cách viết nhật trình chuyến đi, vừa để chia sẻ niềm cảm hứng với những ai yêu thích khám phá thế giới.

* Chị nói gì về việc xê dịch và nó có ý nghĩa thế nào đối với bản thân chị?

- Xê dịch ngoài mang lại những nhãn quan mới mẻ mà phải thực tế mới có được thì còn là rèn luyện sức khỏe, kỹ năng, vì một hành trình thường khó nhọc lắm.

Một trong những chuyến đi vất vả nhất của tôi là lên Everest rồi từ đó đi xuyên qua biên giới để vào sâu Kathmandu (thủ đô của Nepal). Cả chuyến đi cơ bản là toàn ở mép vực thẳm, thấy mình y như con sâu cái kiến vậy. Vất vả, nguy hiểm và căng thẳng, chịu đựng còn hơn vượt dãy Atlas để tiến vào sa mạc Sahara. Lúc ấy tôi cảm thấy mình cứ như đang đóng một bộ phim kiểu Đấu trường sinh tử. Chưa kể không khí ở khu vực Everest rất loãng nên khó thở, khiến đi bộ vài bước đã thấy mệt.

Khi dịch chuyển, tôi thấy mình trở nên khiêm nhường hơn rất nhiều. Nhãn quan càng rộng mở càng thấy mình nhỏ bé. Đặc biệt khi đứng trước Sahara và Everest, cái tôi của mình bỗng thu nhỏ bằng hạt cát và mình phân định mọi giá trị trong cuộc đời càng chính xác hơn nữa.

"Khi dịch chuyển, tôi thấy mình trở nên khiêm nhường hơn rất nhiều. Nhãn quan càng rộng mở càng thấy mình nhỏ bé" - Di Li

Mỗi lúc làm một việc

* Cuốn "Tật xấu người Việt" có phải cũng được viết sau một thời gian dài đi lại qua nhiều nước nên chị có dịp nhìn lại Việt Nam - trong đó có mình - và so sánh ta với những nơi khác?

- Đúng vậy, phải có sự so sánh đối chiếu thì mình mới nhận định về bản thân tốt hơn. Ví dụ người Việt thường gây ồn ào. Ở đây, ngoài chốn công cộng thì âm lượng của tôi thường không là gì, nhưng khi sang nước ngoài thì hóa ra cùng âm lượng như vậy mình vẫn làm phiền những người khác. Rồi mình cũng thi thoảng phạm luật giao thông, cứ nghĩ đó là lỗi nhỏ, nhưng ở các nước tôn trọng luật pháp tuyệt đối thì hành vi ấy rất bị kỳ thị. Từ đó mình mới thấy mình có nhiều điều chưa ổn.

Một trang “Xin chào, Xa-ha-ra” trong sách “Tiếng Việt 5”, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

* Chị đi và viết không ngừng nghỉ nên có cảm giác là cái này sẽ hỗ trợ cái kia, đi để phục vụ cho viết và khi viết là lúc chị lại đang "đi"?

- Chúng ta hay dùng từ "trường đời", nhiều người cực đoan còn tỏ thái độ khinh khi với trường lớp chính quy và rất tôn vinh "trường đời", nhưng ít người định nghĩa trường đời là gì. Trường đời thực ra cũng là một quá trình học tập, nhưng không ở trên lớp.

Theo tôi thì trường đời có 3 nguồn. Một là đọc từ sách. Hai là gặp gỡ những con người mang đến cho mình những kiến thức mà mình chưa biết, kể cả việc ta rút kinh nghiệm từ những bài học thất bại của họ thay vì cứ phải chính mình tự thất bại rồi mới đúc kết được. Ba là chuyển dịch đến các nền văn hóa khác nhau để trải nghiệm.

Nếu cả 3 việc ấy đều không làm thì tôi cũng chưa rõ mọi người sẽ học hỏi từ những nguồn nào để tạo nên trường đời.

Đối với tôi thì còn được bổ trợ thêm một nguồn thứ tư nữa là do kinh qua rất nhiều nghề khác nhau, ở mỗi công việc lại cho tôi thêm kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng sau cả 4 điều đó thì vẫn còn thêm một quy trình nữa là tư duy, phân tích tất cả những gì mình đã đọc, đã nghe, đã nhìn để tổng hợp dữ liệu, chiêm nghiệm và cho ra kết quả chính xác.

Nếu bỏ qua quy trình này thì chúng ta cũng coi như học nửa vời, giống như chỉ nghe thầy giảng trên lớp mà về nhà không làm bài tập vậy. Vì thế, với các cuốn sách đã phát hành của tôi cũng giống như tôi đang làm bài tập vậy thôi (cười).

* Nhưng từ đâu mà chị có nhiều năng lượng để làm được quá nhiều việc như vậy, từ chuyện quản lý thời gian đến việc cá nhân và việc cơ quan?

- Tôi vốn là người chỉ có thể làm được từng việc một. Ví dụ khi tôi đang ăn thì tôi không thể vừa ăn vừa nói chuyện, hoặc vừa xem tivi, lướt mạng, như nhiều người khác. Tôi rửa bát, lau nhà, thái hành cũng hết sức tập trung, cũng không thể vừa làm những việc đó mà vừa trò chuyện được. Nghĩa là dù làm bất cứ việc gì, dù nhỏ, tôi cũng tập trung đến mức quên cả thế giới. Nên tôi lại vốn không phải là tạng làm được nhiều việc cùng một lúc, mà chỉ làm được từng việc một.

Nhưng các việc tôi làm đều trong một thời gian ngắn kỷ lục, với chất lượng tối đa, chính là nhờ ở sự tập trung tuyệt đối đó. Xong việc này tôi mới sang việc khác. Thêm nữa, tôi cũng cắt bớt những việc mà theo tôi là không mang lại ích lợi gì nhiều. Đặc biệt là tôi ít nghe và bình luận chuyện thiên hạ, cũng không để tâm nhiều đến việc dư luận khen chê về mình thế nào. Đó cũng là cách tiết kiệm năng lượng vậy.

Tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” từng đượcVictor Vũ chuyển thể thành phim dài tập

Giờ là lúc viết cho chính mình

* Truyện trinh thám thường thách thức các nhà văn, đặc biệt là nhà văn nữ, vì tuy duy logic bị đánh giá thấp hơn nam giới. Nhưng, đánh giá này có vẻ không dành cho chị?

- Hồi thi cao học tôi được 9,5 môn logic đấy. Hầu như điểm tuyệt đối. Có lẽ do trời sinh thôi. Thêm nữa, việc đọc nhiều các tác phẩm trinh thám cũng là một cách rèn luyện tư duy logic tốt.

* Khi viết trinh thám, có phải chị là một Di Li khác hẳn với Di Li viết tản văn, du ký?

- Tôi cũng không biết nữa, tôi làm nhiều nghề khác nhau, ở mỗi nghề lại làm nhiều mảng khác nhau. Ví như đi dạy thì cũng dạy cả tiếng Anh, văn hóa Anh - Mỹ, PR, kỹ năng sống… Các môn chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng dạy môn này tôi quên mất mình cũng là giáo viên môn kia, quên cả việc mình đang là nhà văn. Có thể tôi phân thân cũng tốt, nên tôi cũng không nhớ mình đã khác nhau thế nào ở các vai trò.

* Chị gần như năm nào cũng ra sách, có năm ra đến 9 cuốn, thật khó tưởng tượng. Sau một thời gian dài theo đuổi văn chương, đến thời điểm này chị thấy mình viết vì điều gì, nó có khác với suy nghĩ của chị ở giai đoại đầu không?

- Khác nhiều. Giai đoạn đầu rất hào hứng in sách. Sau này tôi hơi tiếc cái việc cứ viết xong gì là in ngay ấy. Để tĩnh lại cho ra mắt những tập hợp chỉn chu hơn thì sẽ được những đầu sách ưng ý hơn nhiều. Giờ tôi chỉ hào hứng viết, chứ việc in sách không còn quan trọng nhiều nữa, cũng như không mang lại cảm xúc quá nhiều. Giờ là lúc tôi viết cho chính bản thân mình.

* Những cuốn sách mà chị đang và sẽ thực hiện trong năm nay?

- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết trinh thám Hầm tuyết, dự định là năm nay sẽ xong.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Vài nét về Di Li

Tên khai sinh là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả châu Á - Thái Bình Dương.

Giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Các tác phẩm nổi bật: Trại hoa đỏ, Chuyện làng văn, Cocktail thị thành, Câu lạc bộ số 7, Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa...

Các giải thưởng: Giải Ba tại Cuộc thi Truyện ngắn quân đội 2005-2006 với truyện ngắn Cocktail; Giải Ba tại Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký 2007- 2010 do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cho tiểu thuyết Trại hoa đỏ…

 

LÂM HẠNH (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN

Cùng chuyên mục

Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?

Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43

Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.

TS. Trần Thị Thu Hà: SGK Âm nhạc 10 khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học sinh

Thứ Năm, 14/11/2024 | 17:02

Sách giáo khoa Âm nhạc 10 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tài liệu học tập cho học sinh lớp 10, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Thứ Năm, 17/10/2024 | 17:13

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Thái Bá Dũng và những bài báo "đưa các em qua khúc khó"

Thứ Năm, 18/07/2024 | 08:37

Thái Bá Dũng làm việc ở báo Tuổi trẻ và là cây viết gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường của báo trong nhiều năm.