Sách và Văn hoá đọc » Văn hóa đọc

INTERNET VÀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC

Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:36

Số lượt xem: 3985

Giờ đây, khái niệm và những ứng dụng của Internet đã không còn quá xa lạ với học sinh, giáo viên và nhân viên thư viện ở các trường học. Tuy vậy, việc hiểu rõ những lợi ích nói chung của Internet, cập nhật những thay đổi và xác định những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng Internet trong thư viện các trường học hiện đại vẫn đang là nội dung được quan tâm tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

1. Internet và những lợi ích chung với thư viện trường học

Cung cấp thông tin

Có thể dễ dàng nhận thấy, Internet đưa đến cho người dùng một lượng thông tin khổng lồ, ở nhiều dạng thức khác nhau: chữ viết, âm thanh, hình ảnh... một cách nhanh chóng và không bị giới hạn bởi không gian địa lí, ngôn ngữ sử dụng hay mục đích tìm kiếm, đồng thời giảm thiểu chi phí và tiết kiệm thời gian cho người tìm kiếm. Qua Internet, người dùng còn có thể tìm thấy nhiều chương trình ứng dụng phù hợp và có ích.

Ngoài ra, Internet còn cung cấp nhiều thông tin với “giá trị gia tăng” lớn, bên cạnh thông tin về tài liệu được tìm kiếm còn có thêm những thông tin liên quan như: tài liệu của những lần xuất bản trước, tài liệu của cùng một tác giả, tài liệu có nội dung tương tự… “Giá trị gia tăng” còn là những bình luận, đánh giá về tài liệu, đưa ra gợi ý để lựa chọn việc mượn / mua tài liệu đó.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc lựa chọn tài liệu phù hợp là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt là tài liệu dành cho học sinh  ở lứa tuổi háo hức khám phá và khao khát được thỏa mãn trí tò mò. Với sự ham đọc, ham học của các em, giáo viên và nhân viên thư viện cần chú ý quan sát, tìm hiểu để có những tác động kịp thời, tránh để trẻ lạc lối trong biển thông tin trên Internet.

Lưu trữ thông tin

Với Internet, người dùng có thể tạo ra những kho ảo không giới hạn về dung lượng với chi phí cực thấp. Việc khởi tạo những kho này ban đầu thường là miễn phí, với điều kiện rất dễ chịu: chỉ cần cung cấp tên (thậm chí không phải là tên thật) và một số thông tin khác (hoàn toàn không bị kiểm định). Tài liệu lưu trữ trong kho ảo cũng không bị hạn chế về loại hình mà rất phong phú: ảnh, phim, cuộc ghi âm, văn bản… Thời gian bổ sung tài liệu vào kho không bị phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Nếu được gia đình, nhà trường quan tâm và hướng dẫn, các em học sinh có thể tạo những kho thông tin có giá trị như: kho lưu trữ bài giảng, bài giới thiệu sách, danh sách bạn học và thông tin liên lạc…

Chia sẻ thông tin

Cũng như tìm kiếm và lưu trữ thông tin, việc chia sẻ thông tin trên Internet không bị giới hạn về dung lượng, loại hình hay thời gian. Thêm vào đó, các nhà cung cấp nội dung còn tạo thuận lợi cho người dùng bằng cách tạo các biểu tượng (icon) chia sẻ thông tin ngay trên giao diện hiển thị thông tin, hoặc khuyến khích chia sẻ bằng nhiều hình thức: tích điểm thưởng, cho phép truy cập thêm thông tin... Ưu điểm lớn của chia sẻ thông tin qua mạng là hoạt động này thường không quá phức tạp, không mất nhiều thời gian và gần như không tốn phí.

Ở thư viện trường học có kết nối Internet và cho phép học sinh sử dụng, học sinh có thể chia sẻ thông tin cho nhau, tuy nhiên hành động này cần được thực hiện dưới sự giám sát của giáo viên và nhân viên thư viện, để đảm bảo các em chia sẻ những thông tin hữu ích, phù hợp và chia sẻ đúng cách, đúng đối tượng

Internet và những thay đổi ở thư viện trường học

Đối tượng sử dụng thư viện

Ở những trường học hiện đại, trình độ và kĩ năng của đối tượng sử dụng thư viện đã có nhiều thay đổi. Trước đây, giáo viên có thể tìm kiếm tài liệu tham khảo bằng việc tự đến nhà xuất bản, hiệu sách, các thư viện... Với Internet, giáo viên tra cứu trên mạng, tải tài liệu về thiết bị truy cập (máy vi tính, điện thoại di động) hoặc kho lưu trữ của mình (ổ cứng di động hoặc kho ảo trên Internet). Nhiều thầy cô đã dùng những ứng dụng mạng hữu ích để soạn bài giảng, làm cho bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút sự tập trung và ham thích học hỏi của học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể dùng Internet để chia sẻ thông tin với các cấp lãnh đạo, quản lí hoặc đồng nghiệp.

Đối với việc chia sẻ thông tin / truyền đạt kiến thức, thay vì đọc, hoặc in ra giấy và phát cho học sinh, giáo viên có thể gửi nội dung cho học sinh/phụ huynh học sinh qua mạng. Việc truy cập Internet để gửi bài tập, gửi thông báo hoặc cập nhật tình hình học tập và rèn luyện của học sinh đã trở nên quen thuộc với nhiều giáo viên. Tương ứng, phụ huynh học sinh đã nhận thông tin từ thầy cô qua kênh này, và nhiều trường hợp đã có sự tương tác giữa các bên để cải thiện chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh.

Đối với nhiều học sinh, truy cập Internet đã trở thành thói quen và các em có kĩ năng trong việc này. Các em nhận thấy, thông tin được thể hiện trên giấy in không đa dạng và hấp dẫn bằng thông tin trên Internet... Với sự hướng dẫn của thầy cô và nhân viên thư viện, các em có thể tìm tin theo yêu cầu, lập kho lưu trữ và chia sẻ thông tin trên Internet.

Tại một số trường, học sinh nhận yêu cầu bài tập và gửi bài làm cho thầy cô qua Internet. Điều đó đang góp phần tạo thói quen, cũng như phát triển các kĩ năng dùng Internet của các em (bao gồm cả việc tìm kiếm và chọn lọc thông tin, lưu trữ và chia sẻ thông tin, cũng như việc sử dụng các ứng dụng khác: phần mềm ghi âm, sửa ảnh, tạo video...).

Những thay đổi của người dùng tin đang đặt ra yêu cầu mới về tài liệu, phương pháp tuyên truyền, giới thiệu tài liệu, các sản phẩm và dịch vụ thư viện...

Nhân viên thư viện

Theo yêu cầu của giai đoạn mới trong phát triển giáo dục, gần như mọi nhân viên thư viện ở các trường học hiện nay đều có thể sử dụng Internet.

Cũng như các đối tượng khác, nhân viên thư viện tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ thông tin trên Internet. Điểm khác biệt lớn là nhân viên thư viện cũng đồng thời là người quản lí hoạt động sử dụng Internet của các đối tượng người dùng tại thư viện. Vậy là, hàng loạt yêu cầu mới đặt ra cho nhân viên thư viện:

  • Kĩ năng sử dụng Internet trong công việc.
  • Kĩ năng giao tiếp với người dùng tin trong môi trường Internet.
  • Kĩ năng định hướng nguồn tin cho người dùng.
  • Kĩ năng quản lí việc truy cập, khai thác và chia sẻ thông tin...

 Như vậy, cũng là người dùng Internet, nhưng nhân viên thư viện cần có trình độ và kĩ năng thành thạo hơn những đối tượng khác, vừa để làm tốt công việc của một người thủ thư truyền thống, vừa để hoàn thành nhiệm vụ của một người quản trị thông tin và quản lí người dùng tin trong các trường học hiện đại.

Hoạt động thư viện trường học

Với Internet, đối tượng người sử dụng thư viện đã có nhiều thay đổi, dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu và yêu cầu thông tin; nhân viên thư viện đang có những thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ người dùng tin. Do vậy, những hoạt động trong thư viện trường học cũng cần nhiều đổi mới để theo kịp xu hướng.

Nhiều khâu hoạt động của thư viện đã thay đổi từ khi có Internet, trong đó, những thay đổi trong tuyên truyền thông tin và cung cấp sản phẩm, dịch vụ thư viện là điều dễ được nhận thấy. Đây cũng là đầu vào quan trọng góp phần tạo nên sự thay đổi về diện mạo trong hoạt động của các thư viện.

Các sản phẩm của thư viện đã trở nên phong phú hơn và việc tuyên truyền thông tin đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện, hướng đến nhiều người dùng tin hơn chỉ trong cùng một thời điểm.

Nhìn chung, trong thời đại số, các thư viện trường học đang có những chuyển biến tích cực và Internet là một trong những xúc tác dẫn đến sự chuyển biến đó.

3. Những vấn đề cần lưu ý

Bản quyền thông tin

Có lập luận cho rằng, mọi thứ trên Internet đều được sử dụng miễn phí. Cũng có ý kiến cho rằng, thông tin - dù xuất hiện trực tuyến (trên Internet) hay ngoại tuyến - là sản phẩm kết tinh của sự sáng tạo, sức lao động..., vì thế cần có sự cho phép chính thức của tác giả/người tập hợp thông tin/đơn vị cung cấp thông tin thì mới được phép sử dụng. Ngay cả trong cộng đồng học giả lên tiếng mạnh mẽ về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đối với thông tin trên Internet, cũng còn những quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề đối tượng sử dụng, mục đích, cách thức sử dụng thông tin...

Ở nước ta, hành lang pháp lí về bản quyền đối với thông tin trên Internet chưa thực sự đủ mạnh, các quy định pháp luật chưa chặt chẽ và đầy đủ... Thêm vào đó, ý thức và thói quen sử dụng thông tin trong một môi trường thiếu sự kiểm soát là Internet, cùng với sự thiếu hụt các công cụ quản lí hữu hiệu đang dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai hành động bảo vệ quyền tác giả với thông tin trên Internet.

Trong bối cảnh này, nhân viên thư viện phải là người nắm rõ căn cứ pháp lí và hiểu được ý nghĩa, mục đích việc sử dụng thông tin trên Internet của chính mình và đối tượng phục vụ. Kiến thức và kĩ năng thông tin phải luôn được nhân viên thư viện cập nhật, vì mục tiêu đổi mới giáo dục và góp phần phát triển bền vững đất nước. Có như vậy, hành động sử dụng thông tin trên Internet tại các thư viện trường học sẽ luôn là đối tượng được bảo vệ bởi cả luật pháp và đạo đức xã hội.

Bảo mật thông tin

Trong phạm vi hẹp, bảo mật thông tin có thể được hiểu là giữ an toàn thông tin của mình trên Internet, không cho người khác sử dụng trái phép, hoặc sử dụng sai mục đích, hoặc bóp méo và làm sai lệch nội dung, chuyển đổi hình thức thông tin. Ngoài những thông tin trên Internet, những thông tin khác được lưu trữ trên máy vi tính (có kết nối Internet) cũng cần được đảm bảo an toàn, tránh trường hợp vì thiếu thận trọng, hoặc chưa hiểu biết đầy đủ về các ứng dụng mạng, dẫn đến hậu quả là thông tin trên máy vi tính có thể bị đánh cắp.

Tại thư viện trường học, với đối tượng sử dụng là học sinh, các em có thể sử dụng Internet nhưng nhận thức và những kĩ năng cần thiết để tự vệ trong môi trường này vẫn còn nhiều non yếu. Trong vai trò người hướng dẫn phương pháp và định hướng nội dung thông tin, nhân viên thư viện cần dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm đối tượng này, giúp các em tránh xa những hạn chế và tận dụng mặt tích cực của Internet.

Trong công việc, khi sử dụng Internet, nhân viên thư viện cần tìm hiểu kĩ chính sách của nhà cung cấp dịch vụ và lựa chọn những ứng dụng an toàn, phù hợp. Những thông tin cần được bảo vệ không chỉ là sản phẩm lao động nghiệp vụ (danh mục tài liệu, video giới thiệu sách, nhật ký thư viện…), mà còn bao gồm cả những thông tin khác: thông tin cá nhân của người dùng tin, thói quen, sở thích, yêu cầu đặc biệt…

Quản lí trong môi trường “mở”

Nhiều người đánh giá, ưu điểm lớn nhất và cũng là hạn chế lớn nhất của Internet, chính là tính “mở” của môi trường này. Điều đó đang đặt ra nhiều câu hỏi cho những người quản lí hoạt động thư viện trường học hiện đại:

  • Làm sao quản lí được thời gian truy cập Internet của học sinh tại thư viện?
  • Làm sao kiểm soát được nội dung thông tin các em đã truy cập hay khai thác?
  • Làm sao tìm hiểu được nhu cầu, yêu cầu tin của các em khi sự giao tiếp trực tiếp giữa nhân viên thư viện và học sinh đang còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân?
  • Làm sao hướng dẫn các em tìm đến những nguồn tin tốt, sử dụng đúng cách những thông tin hữu ích và chia sẻ hợp lí để làm gia tăng giá trị thông tin?

Bảo vệ học sinh trước những rủi ro có thật khi tham gia cộng đồng ảo trên Internet không phải là vấn đề của riêng gia đình, hay nhà trường. Để các em phát triển lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của các em, rất cần sự kết hợp hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, với vai trò là cầu nối tri thức, nhân viên thư viện trường học phải là người bạn lớn, định hướng nhu cầu, yêu cầu tin của các em và có phương pháp, hình thức thích hợp để đáp ứng, khuyến khích phát triển những nhu cầu, yêu cầu có lợi và hạn chế, bảo vệ các em khỏi ma trận thông tin, cũng như những cạm bẫy từ Internet.

Năm 2000, Bill Gates - cựu Chủ tịch Tập đoàn Microsoft lừng danh, đã đưa ra thuật ngữ “kỷ nguyên Internet” (Internet Age). Trước đó, và từ đó đến nay, Internet vẫn đang phát triển không ngừng, giúp con người vượt qua những giới hạn vật lí thông thường, kết nối toàn thế giới trong một môi trường “mở” và ảo. Thư viện, trong đó có các thư viện trường học, đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong truy cập, tạo lập, lưu trữ, phổ biến và góp phần phát triển thông tin/tri thức. Với những thay đổi to lớn về đối tượng người sử dụng, người quản lí và các khâu hoạt động, thư viện trường học đang gặp một số khó khăn trong vấn đề bản quyền, bảo mật thông tin và quản lí. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn ấy, rất cần sự hoàn thiện của hành lang pháp lí quốc gia, cũng như sự chung sức của các bên trong việc đầu tư mọi nguồn lực có thể cho phát triển giáo dục. Riêng nhân viên thư viện, yêu cầu nghề nghiệp và kỳ vọng của xã hội đang đòi hỏi ở họ sự nỗ lực nâng cao trình độ, kĩ năng và tâm huyết, nhằm tạo lập nguồn tin bổ ích và góp phần bảo vệ, trang bị kiến thức, kĩ năng phòng vệ cho học sinh khi sử dụng Internet cho mục đích tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ thông tin.

 

Lê Thị Vân Nga