Sách và Văn hoá đọc » TÀI LIỆU NGÀNH

Hướng dẫn của ILFA về thư viện trường học

Thứ Sáu, 15/05/2020 | 15:38

Số lượt xem: 6194

HƯỚNG DẪN CỦA IFLA VỀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC

(Ấn bản lần thứ 2 có sửa đổi)

                                                                                                                                                                       

Chương 1

SỨ MỆNH VÀ MỤC TIÊU CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC


“Thư viện trường học cung cấp thông tin và ý tưởng làm nền tảng để hoạt động thành công trong xã hội thông tin và tri thức ngày nay. Thư viện trường học trang bị cho người học kĩ năng học tập suốt đời và phát triển trí tưởng tượng, giúp họ trở thành những công dân có trách nhiệm.” (Tuyên ngôn về Thư viện trường học)

1.1. Giới thiệu

Chương này trình bày khái quát về sứ mệnh và mục tiêu của thư viện trường học, như đã được định nghĩa trong Tuyên ngôn IFLA/UNESCO về Thư viện trường học (1999). Theo Tuyên ngôn, thư viện trường học có vai trò tăng cường và cải tiến hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường – đối với cả người dạy và người học. Các vấn đề cốt yếu trong Tuyên ngôn được chi tiết hóa cụ thể hơn trong các chương kế tiếp.

1.2. Bối cảnh

Thư viện trường học trên toàn thế giới là những môi trường học tập, tạo ra một không gian (vật lí và số) cho phép truy cập tới các nguồn lực thông tin, tiếp cận các hoạt động và dịch vụ nhằm khuyến khích, hỗ trợ người học, người dạy và việc học tập của cả cộng đồng. Thư viện trường học phát triển song song với sự phát triển giáo dục, cùng hướng tới việc trang bị kiến thức để người học vận dụng và đóng góp cho tiến bộ xã hội. Mặc dù khác nhau về hệ thống cơ sở vật chất và hoạt động, các thư viện trường học trên khắp thế giới đều tập trung vào việc hỗ trợ sự tiến bộ trong học tập của người học. Thư viện trường học tạo ra nhiều cơ hội học tập cho các cá nhân, các nhóm nhỏ và các nhóm lớn, chú trọng vào nội dung tri thức, kiến thức thông tin, và sự phát triển văn hóa và xã hội. Trọng tâm định hướng người học của thư viện trường học có tác dụng hỗ trợ, mở rộng và cá nhân hóa chương trình giảng dạy của nhà trường.   

Ví dụ: Dự án Thư viện Lubuto cung cấp các tài nguyên và kinh nghiệm học tập cho các đối tượng trẻ mồ côi, các trẻ em dễ bị tổn thương khác, và thanh niên ở Zambia.

1.3. Định nghĩa thư viện trường học

Thư viện trường học là không gian vật lí và số của nhà trường, nơi các hoạt động đọc, trao đổi, nghiên cứu, tư duy, tưởng tượng và sáng tạo giữ vai trò quyết định trên hành trình đi từ thông tin đến tri thức của người học cũng như đối với sự phát triển cá nhân, xã hội và văn hóa của họ. Không gian vật lí và số này được gọi bằng nhiều cách (ví dụ: trung tâm đa phương tiện của trường học (school media centre), trung tâm thông tin và tư liệu (centre for documentation and information), trung tâm nguồn lực thư viện (library resource centre), không gian học tập (library learning commons), trong đó, thư viện trường học (school library) là thuật ngữ sử dụng phổ biến nhất.

Nhìn chung, hơn 50 năm nghiên cứu trên bình diện quốc tế (ví dụ, xem Haycock, 1992, trong LRS (2015) Các nghiên cứu về tác động của thư viện trường học ở Hoa Kỳ www.lrs.org/data-tools/schoolliraries/impact-studies/ và Williams, Wavell, C., và Morrison (2013) ở Vương quốc Anh www.scottishliraries.org/storage/sectors/schools/SLIC_RGU_Impact_of_School_Libraries_      2013.pdf) đã nhận diện các đặc trưng của thư viện trường học như sau:

  • Có một cán bộ thư viện đủ trình độ, được đào tạo chính quy về nghiệp vụ thư viện trường học và nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn cần thiết để đảm đương nhiều vai trò phức tạp khi hướng dẫn, phát triển việc đọc và xóa mù chữ, quản lí thư viện trường học, cộng tác với đội ngũ giáo viên và tham gia vào cộng đồng giáo dục.  

  • Cung cấp các bộ sưu tập đa dạng, chất lượng cao, định hướng đối tượng (dạng in, đa phương tiện, số) hỗ trợ chương trình giảng dạy chính thức và không chính thức của nhà trường, bao gồm các dự án riêng biệt và phát triển cá nhân.

  • Có chính sách và kế hoạch rõ ràng để phát triển liên tục.

Thư viện trường học, cũng như các bộ phận khác trong hệ thống giáo dục, đều trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Mặc dù vậy, ba đặc trưng nêu trên là những yêu cầu thiết yếu để thư viện trường học có thể hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thư viện trường học có thể tác động như thế nào đến việc học tập của người học là hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ bảo đảm của ba đặc trưng đó.

 

Thư viện trường học vận hành như một:

  • Không gian vật lí và số chuyên dụng trong nhà trường, mọi người đều có thể tiếp cận và truy cập;

  • Không gian thông tin cho phép truy cập mở và công bằng tới các nguồn tài nguyên thông tin có chất lượng ở mọi phương tiện, bao gồm các bộ sưu tập dạng in, đa phương tiện và số;

  • Không gian tin cậy nơi khuyến khích và hỗ trợ sự ham hiểu biết, sự sáng tạo và định hướng học tập, nơi người học có thể tìm hiểu các đề tài đa dạng, kể cả các đề tài gây tranh cãi, một cách riêng tư và an toàn;

  • Không gian giáo dục nơi người học học hỏi các năng lực và khuynh hướng để tiếp cận thông tin và hình thành tri thức;

  • Không gian công nghệ cung cấp một hệ thống đa dạng các thiết bị công nghệ, phần mềm, và kiến thức chuyên môn trong việc tạo lập, trình bày và chia sẻ tri thức;

  • Trung tâm học tập nơi cộng đồng nhà trường bồi đắp sự phát triển việc đọc và hiểu biết ở mọi hình thức;

  • Trung tâm công dân số nơi người học học cách sử dụng các công cụ số như thế nào để bảo đảm tính thích hợp, đạo đức, an toàn, cũng như học cách bảo vệ nhân dạng và các thông tin cá nhân;

  • Môi trường thông tin nơi mọi thành viên trong cộng đồng trường học có thể truy cập bình đẳng tới các tài nguyên, công nghệ, phát triển các kĩ năng thông tin; và

  • Không gian xã hội nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, chuyên môn và giáo dục (ví dụ: các sự kiện, các hội nghị, triển lãm, giải trí) cho cả cộng đồng.

1.4. Vai trò của thư viện trường học đối với nhà trường

Trong trường học, thư viện trường đóng vai trò là trung tâm giảng dạy và học tập nơi cung cấp các chương trình giáo dục thiết thực, gắn kết chặt chẽ với chương trình giảng dạy của nhà trường. Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong việc phát triển các năng lực sau:

  • Năng lực dựa trên tài nguyên – khả năng và khuynh hướng tìm kiếm, truy cập và đánh giá tài nguyên ở nhiều dạng thức, bao gồm cả con người và các sản phẩm văn hóa. Năng lực này còn thể hiện ở việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin để tìm, truy cập, đánh giá các nguồn lực và việc phát triển kiến thức về thông tin dạng in ấn và dạng số.

  • Năng lực dựa trên tư duy – khả năng và khuynh hướng sử dụng dữ liệu, thông tin thông qua các quy trình tìm kiếm và truy vấn đòi hỏi tư duy trình độ cao, phân tích có phê phán cho phép tạo ra các sản phẩm có chiều sâu kiến thức.

  • Năng lực đọc hiểu – khả năng và khuynh hướng liên quan tới sự hưởng thụ việc đọc, đọc để giải trí, đọc để học tập ở nhiều mức độ, và sự chuyển đổi, truyền đạt và phổ biến văn bản ở nhiều dạng thức và mô hình nhằm phát triển việc đọc và hiểu.

  • Năng lực cá nhân và giữa các cá nhân – năng lực và khuynh hướng tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội trên cơ sở truy vấn nguồn và học tập về bản thân và những người khác, như các nhà nghiên cứu, người dùng tin, người sáng tạo tri thức, và các công dân có trách nhiệm.

  • Năng lực quản lí học tập – năng lực và khuynh hướng giúp người học chuẩn bị, lên kế hoạch, thực hiện thành công một nhiệm vụ học tập theo chương trình giảng dạy.

Cán bộ thư viện trường học đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển những năng lực này thông qua việc hướng dẫn và hỗ trợ riêng hoặc phối hợp, có liên kết chặt chẽ với nội dung chương trình giảng dạy và các mục tiêu đầu ra.

1.5. Điều kiện để thực hiện một chương trình thư viện trường học hiệu quả

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều kiện then chốt để thực hiện một chương trình thư viện trường học hiệu quả là sử dụng cán bộ thư viện trường học có trình độ. Nghiên cứu cho thấy thư viện sẽ phát huy được vai trò của mình trong giảng dạy và học tập khi có một chương trình sư phạm (tức là cung cấp toàn diện, có kế hoạch các hoạt động giảng dạy và học tập) và đội ngũ cán bộ thư viện trường học có trình độ để đảm đương được các vai trò được nêu ở mục 3.4.

Thư viện trường học cần được điều hành với một khung chính sách cụ thể, trong đó công nhận thư viện là trung tâm đọc, trao đổi và cùng nhau tạo ra tri thức. Chính sách thư viện phải được xây dựng trên cơ sở các chính sách và nhu cầu chung của nhà trường và phản ánh được đặc trưng, sứ mệnh, mục đích, mục tiêu và thực tiễn của nhà trường. Sự hỗ trợ hành chính cho thư viện trường học thông qua chính sách thư viện là hết sức cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả chương trình thư viện trường học. Các điều kiện về cơ sở vật chất, tài nguyên vật lí và số, nguồn nhân lực để triển khai một chương trình thư viện trường học hiệu quả được trình bày ở các chương sau.

1.6. Biểu đạt Tầm nhìn của thư viện công cộng

Tầm nhìn mô tả tương lai mong muốn đạt tới của thư viện trường học. Vì phụ thuộc vào điểm xuất phát của từng thư viện nên tầm nhìn có thể không giống nhau giữa các thư viện trường học trên khắp thế giới. Về cơ bản, việc vạch ra tầm nhìn chiến lược, trong đó, thư viện trường học giữ vai trò trung tâm trong hoạt động giáo dục, vượt qua những rào cản hiện tại, sẽ thúc đẩy hoài bão hướng tới tương lai thư viện trở thành một không gian học tập đa chức năng.

Tầm nhìn phải bao quát được năm xu hướng chủ yếu đã nhận định trong Báo cáo Xu hướng IFLA 2013 (trends.ifla.org):

1) Công nghệ mới sẽ vừa mở rộng vừa hạn chế các đối tượng có cơ hội truy cập thông tin.

2) Giáo dục trực tuyến sẽ dân chủ hóa và cản trở việc học tập trên quy mô toàn cầu.

3) Ranh giới giữa quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu sẽ được xác định lại.

4) Các xã hội siêu kết nối sẽ lắng nghe và trao quyền cho những thế lực và nhóm mới.

5) Nền kinh tế thông tin toàn cầu sẽ thay đổi hoàn toàn dưới tác động của công nghệ mới.

1.7. Biểu đạt Sứ mệnh của thư viện công cộng

Sứ mệnh thể hiện bản chất, mục tiêu và vai trò của thư viện trường học với tư cách là một bộ phận trong mục tiêu và cam kết chung của nhà trường. Sứ mệnh của thư viện trường học trên toàn thế giới được nêu rõ trong Tuyên ngôn 1999 của IFLA/UNESCO về Thư viện trường học. Việc biểu đạt sứ mệnh của một thư viện trường học cụ thể cần phản ánh các nội dung sứ mệnh đã nêu trong Tuyên ngôn, sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục của nhà trường và thư viện trường. Sứ mệnh cần đưa ra định hướng nhằm tập trung vào các nguồn lực, chỉ dẫn việc lập kế hoạch và truyền đạt mục đích phục vụ cộng đồng trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của các thành viên; các kĩ năng, nguồn lực và năng lực cần thiết để đáp ứng những nhu cầu đó; và một mục tiêu đầu ra mang lại lợi ích cho cộng đồng – tương ứng với mục tiêu giáo dục là chuẩn bị những hành trang cần thiết để người học đảm đương công việc của họ và trở thành những công dân trong tương lai. 

1.8. Dịch vụ thư viện trường học

Thư viện trường học cung cấp nhiều dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng học tập. Các dịch vụ này có thể được cung cấp trong phạm vi hoặc từ một thiết bị của thư viện trường. Việc triển khai các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cũng giúp thư viện mở rộng tầm phục vụ của mình tới tất cả các khu vực trong trường và tới tận từng nhà. Một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kết nối mạng đủ mạnh sẽ cho phép truy cập các bộ sưu tập, các nguồn lực cộng đồng và các bộ sưu tập số có tổ chức, cung cấp các công cụ để tiến hành hỏi đáp dựa trên nghiên cứu, cũng như tạo lập, trình bày và chia sẻ tri thức.

Các dịch vụ thư viện trường học bao gồm:

  • Phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (ví dụ: kĩ năng đọc hiểu, công nghệ, các quy trình truy vấn và nghiên cứu);

  • Chương trình đọc / hiểu năng động phục vụ các mục đích khoa học, giải trí và nâng cao trình độ;

  • Phát triển học tập gợi mở và kiến thức thông tin; và

  • Hợp tác với các thư viện khác (công cộng, nhà nước, các nguồn lực cộng đồng).

Thư viện trường học mang lại giá trị quan trọng cho cộng đồng giáo dục. Giá trị đó không chỉ nằm ở các tài liệu trong vốn tài liệu thư viện mà còn ở việc cung cấp các dịch vụ thông qua một chương trình thư viện năng động và một cán bộ thư viện có trình độ. 

1.9. Đánh giá dịch vụ và chương trình thư viện trường học

Đánh giá các dịch vụ và chương trình thư viện là việc làm cần thiết trong tiến trình phát triển thư viện trường học. Việc đánh giá nhằm đạt được các mục tiêu định lượng: Giúp xác định xem các dịch vụ và chương trình thư viện trường học có đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng nhà trường hay không. Việc đánh giá cũng góp phần cải tiến liên tục các dịch vụ và chương trình thư viện nhờ tác động tới nhận thức của các bên liên quan về thư viện trường học và tăng cường sự hỗ trợ của họ cho thư viện trường học. Phương pháp hay cách thức đánh giá được lựa chọn phụ thuộc vào nhu cầu của cộng đồng trường học và giai đoạn phát triển của thư viện (ví dụ: chất lượng chương trình, nhận thức của các bên liên quan, nội dung chương trình và ảnh hưởng của chương trình).

Hoạt động đánh giá chú trọng vào chất lượng chương trình tổng thể sẽ sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở để kiểm tra và đánh giá nhiều khía cạnh của thư viện trường học (ví dụ: việc bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, công nghệ, và vốn tài liệu, cũng như các chương trình đào tạo). Hoạt động đánh giá nhằm mục đích cải tiến thực tiễn hoạt động thư viện, thường được gọi là thực tiễn dựa trên chứng cứ, sẽ sử dụng các dữ liệu như các sản phẩm học tập của người học; các mô hình đào tạo (theo lớp, theo bậc học hay môn học); các điều tra về người học, người dạy và / hoặc phụ huynh, hay các biểu ghi từ hệ thống lưu thông và biên mục của thư viện. Chương 6 của tài liệu này sẽ tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu đánh giá và vai trò của nó trong việc quản lí và quan hệ công chúng (quảng bá, marketing, vận động chính sách).

 

Chương 2

                                       KHUÔN KHỔ PHÁP LÍ VÀ TÀI CHÍNH DÀNH CHO                                              THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC


“Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, vùng và quốc gia là phải hỗ trợ thư viện trường học (TVTH) bằng pháp luật và các chính sách cụ thể. Các TVTH phải có kinh phí phù hợp và ổn định để bảo đảm duy trì đội ngũ nhân sự có trình độ, các công nghệ và trang thiết bị. TVTH phải miễn phí.” (Tuyên ngôn về TVTH)

2.1. Giới thiệu

TVTH đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng giáo dục mà nó trực thuộc và phục vụ cho lợi ích của tất cả các thành viên trong cộng đồng đó. TVTH nằm trong phạm vi quản lí của chính quyền địa phương, vùng và quốc gia, mang lại cơ hội học tập công bằng và phát triển các năng lực cần thiết để tham gia vào xã hội tri thức. Nhằm duy trì và đáp ứng liên tục cho một môi trường giáo dục và văn hóa phát triển, TVTH cần được hỗ trợ bởi một hành lang pháp lí và có nguồn kinh phí ổn định.

2.2. Cơ sở và vấn đề pháp lí

Trên thế giới, hiện đang tồn tại nhiều mô hình quan hệ khác nhau giữa các TVTH và chính quyền. Thêm vào đó, các luật điều chỉnh hoạt động và việc phân bổ kinh phí của TVTH cũng có thể đa dạng và phức tạp. Ví dụ, luật pháp, các chính sách và tiêu chuẩn về thư viện trường học có thể là trách nhiệm của Bộ Giáo dục hay Bộ Văn hóa của một nước, hoặc có thể do cả hai bộ này cùng chịu trách nhiệm. Một số nước trên thế giới lại giao việc quản lí TVTH, toàn bộ hoặc một phần, cho các tỉnh, bang hoặc thành phố.

 

Về nguyên tắc, TVTH luôn thích ứng với bối cảnh pháp lí và chính trị, nhằm đảm bảo một môi trường học tập mà trong đó TVTH giữ vai trò là trung tâm truy vấn, khám phá, sáng tạo, hội họp và giáo dục tiên tiến. Các nguồn lực ngày càng bền vững cho phép TVTH đáp ứng được tiêu chuẩn hỗ trợ người học phát triển về trí tuệ và tiến bộ về kĩ năng theo yêu cầu của các hướng dẫn hệ thống trong và ngoài nhà trường.

2.3. Cơ sở và vấn đề đạo đức

TVTH tồn tại trong một khuôn khổ đạo đức chú trọng các quyền và trách nhiệm của người học cũng như các thành viên khác trong cộng đồng học tập. TVTH đứng trên quan điểm tiếp cận toàn diện để bảo đảm mọi đối tượng khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ, bản địa, hoặc các đối tượng đặc biệt khác đều được phục vụ. Những giá trị cốt lõi của sự công bằng khi truy cập tới tri thức và thông tin được ghi lại cũng như của tự do trí tuệ được thể hiện ở Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong các giá trị của IFLA (www.ifla.org/about/more). 

 

Những nội dung khác cần xem xét, nhưng không giới hạn, bao gồm:

  • Tuyên bố về Các quyền cơ bản của người dùng thư viện

  • Quy định về Tự do thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân

  • Các Tuyên bố về bản quyền, sở hữu trí tuệ và đạo văn

  • Quyền Trẻ em (www.un.org/cyberschoolbus/humanrights/resources/child.asp)

  • Quyền Người bản địa

(http://undesadspd.org/indigineouspeoples/declarationontherightsofindigineouspeoples.aspx)

Thông qua những chương trình đào tạo người học và cộng đồng học tập về các vấn đề đạo đức như tự do thông tin, sở hữu trí tuệ và đạo văn, TVTH phát triển các kĩ năng và kiến thức mà người công dân có trách nhiệm cần trang bị.

2.4. Hỗ trợ cơ sở hạ tầng để phát triển TVTH

Các đơn vị quản lí giáo dục quốc gia và / hoặc vùng / địa phương cần thiết lập hệ thống hỗ trợ hoạt động và phát triển TVTH. Hệ thống này phải cố gắng xác định và hoàn thiện ở mức cơ bản các dịch vụ và hoạt động TVTH để người học và người dạy có thể biết và sử dụng thư viện trường như một nguồn lực phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập. Hoạt động của các trung tâm dịch vụ giáo dục như vậy có thể tập trung vào những vấn đề như: đào tạo ban đầu và đào tạo tiếp tục cho cán bộ TVTH, cố vấn chuyên môn, nghiên cứu khoa học, cộng tác với các nhóm cán bộ TVTH và các hiệp hội nghề nghiệp của họ, cũng như phát triển các tiêu chuẩn và chỉ dẫn.

Dịch vụ và hoạt động TVTH có đặc điểm và quy mô khác nhau giữa các quốc gia và giữa các trường. Tuy nhiên, sự biến động ngày càng tăng của người học và gia đình họ đã đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất giữa các trường và truy cập tới thư viện trường giúp hệ thống giáo dục tăng khả năng đáp ứng trước nhu cầu của các thành viên trong cộng đồng trường học.

 

Ví dụ: Năm 1967, cơ quan lập pháp bang Texas (Hoa Kỳ) đã thiết lập một hệ thống gồm 20 trung tâm dịch vụ giáo dục cấp vùng để hỗ trợ các khu học chính trên toàn bang. Vai trò của trung tâm dịch vụ giáo dục là cùng với các khu học chính thực hiện ba mục tiêu: hỗ trợ khu học chính nâng cao năng lực người học tại mỗi vùng miền thuộc hệ thống; giúp khu học chính hoạt động hiệu quả và kinh tế hơn; và thực hiện những sáng kiến của cơ quan lập pháp hoặc các ủy viên. Vai trò của các trung tâm dịch vụ giáo dục là phát triển chuyên môn, hỗ trợ kĩ thuật và quản lí các chương trình giáo dục nhằm giúp đỡ các nhà quản lí, cán bộ TVTH và giáo viên.

2.5. Chính sách

TVTH cần được điều hành bởi một khung chính sách có cấu trúc rõ ràng trong đó nhìn nhận TVTH là một ngu��n lực cốt lõi và là trung tâm đọc và truy vấn. Chính sách TVTH cần được xây dựng trên cơ sở các chính sách chung và nhu cầu của nhà trường, đồng thời phải phản ánh đặc điểm, sứ mệnh, mục đích và mục tiêu cũng như thực tiễn của nhà trường.

 

Chính sách cần nêu rõ thư viện là dành cho tất cả mọi người. Chính sách đó phải được phát triển bởi cán bộ TVTH cùng với các giáo viên và nhà quản lí (cụ thể là: hiệu trưởng, trưởng các bộ môn, cán bộ giáo dục). Dự thảo chính sách phải được chia sẻ trong cộng đồng nhà trường và được đưa ra thảo luận công khai. Bản chính sách chính thức cần được phổ biến rộng rãi để mọi người đều biết, chấp thuận và sẵn sàng thực thi các triết lí, tư tưởng và m���c tiêu thực tiễn và phát triển được nêu trong chính sách. Chính sách và các kế hoạch xây dựng dựa trên chính sách đó phải nêu rõ vai trò của thư viện trong mối quan hệ với các thành tố sau:

  • Chương trình giảng dạy chính thức và không chính thức của trường

  • Các phương pháp học tập trong trường

  • Các tiêu chuẩn và tiêu chí quốc gia và địa phương

  • Các nhu cầu học tập và phát triển cá nhân của người học

  • Các nhu cầu của đội ngũ giáo viên

  • Các mức độ nâng cao thành tích học tập

  • Phát triển các kĩ năng nghiên cứu

  • Thúc đẩy và khuyến khích việc đọc

  • Lòng ham hiểu biết và sự đóng góp của người dân

 

Tất cả những thành tố nêu trên đều giữ vai trò thiết yếu trong việc tạo lập một khung chính sách thiết thực và các kế hoạch hành động kế tiếp. Các kế hoạch hành động phải được phát triển dựa trên các mục tiêu, nhiệm vụ và chiến lược cũng như những thông lệ quản lí và đánh giá. Chính sách và các kế hoạch hành động phải là những tài liệu có hiệu lực, được soát xét thường xuyên.

2.6. Lập kế hoạch

Việc lập kế hoạch cho một TVTH đòi hỏi sự tham gia tích cực của cán bộ thư viện với sự tư vấn của ban giám hiệu, giáo viên và học sinh nhằm xác định mối quan hệ giữa thư viện trường học với các đối tượng trong cộng đồng học tập nhà trường. Các khía cạnh quan trọng cần xem xét trong quá trình lập kế hoạch bao gồm:

  • các mục tiêu phát triển bền vững được xác định bởi những nghiên cứu về tương lai do các tổ chức quốc gia và quốc tế thực hiện;

  • sứ mệnh, triết lí, mục tiêu giáo dục dài hạn và ngắn hạn của nhà trường và quốc gia;

  • tuyên bố về tầm nhìn mô tả giá trị của TVTH đối với nhà trường và vai trò của các bên lên quan, các đối tác văn hóa và nhà tài trợ trong hoạt động giáo dục;

  • đánh giá nhu cầu xác định vai trò hiện tại của TVTH và hình dung tương lai khi TVTH trở thành một trung tâm học tập;

  • kế hoạch giúp cộng đồng trường học truy cập tới các nguồn lực có chất lượng, cơ sở hạ tầng và các môi trường học tập số và vật lí;

  • kế hoạch về công nghệ với những dự báo về công nghệ và những thay đổi có thể diễn ra trong hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ;

  • kế hoạch hành động linh hoạt về các hoạt động trong đó người học và cộng đồng là trung tâm;

  • kế hoạch phát triển kĩ năng chuyên môn dành cho đội ngũ nhân lực TVTH; và

  • kế hoạch đánh giá đưa ra các cải tiến liên tục thông qua những nghiên cứu dựa trên chứng cứ, chứng minh tác động của dịch vụ thư viện đối với thành công của người học.

 

Ví dụ:Ở một vùng nông thôn Indonesia, cán bộ trường học kết hợp với giảng viên trường đào tạo nghề thư viện, bộ chủ quản và một tổ chức phát triển quốc tế để xây dựng TVTH kiểu mẫu.

2.7. Tài trợ kinh phí

Để bảo đảm cơ sở giảng dạy và thông tin của TVTH luôn cập nhật và được duy trì, thư viện cần được cấp kinh phí phù hợp, đưa vào kế hoạch ngân sách địa phương. Việc sử dụng ngân sách phải căn cứ vào chính sách của trường dành cho thư viện và phải cho thấy sự đầu tư là nhằm phục vụ người học, người dạy và nguồn nhân lực thư viện.

Cán bộ TVTH làm việc với lãnh đạo nhà trường để phát triển ngân sách và tìm giải pháp phù hợp để cung cấp các nguồn lực và dịch vụ chất lượng cho toàn trường. Việc hỗ trợ tài chính cho TVTH phản ánh một kết quả nghiên cứu, trong đó chỉ ra rằng:

 

  • Quy mô và chất lượng đội ngũ nhân lực giảng dạy / hỗ trợ và vốn tài liệu của TVTH là những yếu tố dự báo chính xác nhất về thành tích học tập của nhà trường.

  • Những sinh viên đạt điểm cao hơn trong các bài thi tiêu chuẩn thường đến từ các trường có đội ngũ cán bộ thư viện đông đảo hơn và cho phép truy cập nhiều hơn đến các dịch vụ và nguồn lực như: sách, tạp chí, tài liệu trực tuyến, không tính đến các yếu tố khác như yếu tố kinh tế. (Xem thêm Tóm tắt Nghiên cứu IASL www.iasl-online.org/research/abstracts; Kachel và Lance, 2013.)

Việc sử dụng ngân sách được lên kế hoạch thận trọng cho cả năm và dựa trên khuôn khổ chính sách. Các thành phần trong kế hoạch ngân sách được trình bày trong Phụ lục B. Báo cáo hàng năm trình bày việc chi dùng ngân sách và làm rõ khoản kinh phí dành cho chương trình thư viện và các nguồn lực thư viện có đủ để giúp thư viện thực hiện các nhiệm vụ và đạt được mục tiêu mà chính sách đã đề ra hay không. Báo cáo hàng năm phải đưa ra bằng chứng về chất lượng dịch vụ và chương trình thư viện cũng như tác động của chúng đối với hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường. Chương 6 của tài liệu này sẽ tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu đánh giá và ý nghĩa của việc đánh giá trong công tác quản lí TVTH.

                                                                                            Chương 3

NGUỒN NHÂN LỰC THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC


“Cán bộ thư viện trường học là người có trình độ chuyên môn đảm đương việc lập kế hoạch và quản lí thư viện trường học, được hỗ trợ bởi một đội ngũ nhân sự phù hợp nhất có thể, cùng làm việc với tất cả các thành viên của cộng đồng trường học, và giữ mối liên kết với thư viện công cộng và các thư viện khác.” (Tuyên ngôn về Thư viện trường học)

3.1. Giới thiệu

Chức năng chủ yếu của một thư viện trường học là cung cấp truy cập vật lí và trí tuệ tới các thông tin và ý tưởng. Sự phong phú và chất lượng của một chương trình thư viện trường học chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhân lực trong và ngoài thư viện. Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của cộng đồng nhà trường, một yêu cầu thiết yếu đặt ra là phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản và tâm huyết với nghề, số lượng nhân sự phù hợp với quy mô và những nhu cầu đặc thù của nhà trường. Mọi người làm việc trong thư viện trường học cần có nhận thức đầy đủ về dịch vụ và chính sách của thư viện, những nhiệm vụ và trách nhiệm được xác định rõ ràng và các điều kiện tuyển dụng cũng như chế độ lương theo quy định tương ứng với vai trò được kì vọng ở vị trí công việc của mình.

3.2. Vai trò của đội ngũ nhân sự và lí do căn bản

Vì thư viện trường học có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập, chương trình hoạt động của thư viện trường học phải được thực hiện dưới sự định hướng của một đội ngũ có cùng trình độ chuyên môn và được chuẩn bị như những giáo viên đứng lớp. Ở nơi nào cán bộ thư viện trường học được kì vọng giữ vai trò lãnh đạo trong nhà trường, ở đó cán bộ thư viện trường học phải được đào tạo và chuẩn bị tương đương với các vị trí lãnh đạo khác trong trường, như quản lí trường học và chuyên gia về học tập. Các hoạt động của thư viện trường học chỉ được triển khai tốt nhất khi có sự hỗ trợ của một đội ngũ được đào tạo về văn phòng và kĩ thuật nhằm bảo đảm cán bộ thư viện trường học có đủ thời gian thực hiện vai trò chuyên môn của mình trong công tác hướng dẫn, quản lí, cộng tác và lãnh đạo.  

3.3. Định nghĩa cán bộ thư viện trường học

Cán bộ thư viện trường học chịu trách nhiệm về không gian học tập vật lí và số của nhà trường, nơi việc đọc, truy vấn, nghiên cứu, tư duy, tưởng tượng và sáng tạo là trung tâm của hoạt động dạy và học. Vai trò này được thể hiện bằng nhiều thuật ngữ (thí dụ, cán bộ thư viện trường học, chuyên gia truyền thông thư viện trư���ng học, giáo viên thư viện, professeurs documentalistes) trong đó thuật ngữ “cán bộ thư viện trường học” (school librarian) được sử dụng phổ biến nhất. Tiêu chuẩn chuyên môn của cán bộ thư viện trường học không có sự thống nhất trên toàn thế giới và có thể bao gồm cả các cán bộ thư viện được hoặc không được đào tạo về sư phạm và các cán bộ thư viện được đào tạo trong các lĩnh vực chuyên môn thư viện khác.

Trên thế giới, người ta đưa ra nhiều cách định nghĩa về thư viện trường học và có thể bao gồm cả bộ phận dịch vụ trường học của thư viện công cộng. Mô hình nhân sự dành cho thư viện trường học vì thế cũng thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh địa phương, chịu sự chi phối của luật pháp, trình độ phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng giáo dục. Tuy nhiên, nhìn chung, hơn 50 năm nghiên cứu trên bình diện quốc tế (thí dụ, xem Haycock, 1992, trong LRS (2015) Các nghiên cứu về tác động của thư viện trường học ở Hoa Kì www.lrs.org/data-tools/schoolliraries/impact-studies/) đã chỉ ra rằng một cán bộ thư viện trường học cần được đào tạo chính quy về nghiệp vụ thư viện trường học và nghiệp vụ sư phạm nhằm bảo đảm trình độ chuyên môn cần thiết để đảm đương những vai trò phức tạp trong việc hướng dẫn, phát triển việc đọc và hiểu biết, quản trị thư viện trường học, cộng tác với đội ngũ giáo viên và tham gia vào cộng đồng giáo dục.

3.4. Yêu cầu về năng lực để triển khai các chương trình thư viện trường học

Những yêu cầu về chuyên môn đối với một cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp gồm có:

  • Giảng dạy và học tập, chương trình giảng dạy, thiết kế bài giảng và lên lớp;

  • Quản lí chương trình – lập kế hoạch, phát triển/ thiết kế, thực thi, đánh giá/ cải tiến;

  • Phát triển bộ sưu tập, lưu trữ, tổ chức, truy hồi;

  • Xử lí và hành vi thông tin – hiểu biết, kiến thức thông tin, kiến thức số;

  • Tham gia vào việc đọc;

  • Kiến thức về văn học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên;

  • Kiến thức về những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc đọc;

  • Kĩ năng giao tiếp và cộng tác;

  • Kĩ năng số và truyền thông;

  • Đạo đức và trách nhiệm đối với xã hội;

  • Phục vụ vì lợi ích của cộng đồng – trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội;

  • Cam kết học tập suốt đời thông qua việc liên tục nâng cao trình độ chuyên môn; và

  • Thích nghi với nghề thư viện trường học cũng như hiểu biết về lịch sử và các giá trị của nó.

Có thể phát triển các năng lực và thiên hướng của một cán bộ thư viện trường học bằng nhiều cách khác nhau – thông thường là qua chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hoặc tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn sau khi đã có một bằng nghiệp vụ sư phạm hoặc nghiệp vụ thư viện. Mục đích của việc đào tạo cán bộ thư viện trường học là hiện thực hóa các kĩ năng giảng dạy và kĩ năng thư viện.

Ở những quốc gia có các chương trình đào tạo cán bộ thư viện chuyên biệt, ngoài chuyên môn cơ bản về nghề thư viện, chương trình giảng dạy phải bao gồm những kiến thức về giáo dục (học tập, chương trình giảng dạy, giảng dạy), về công nghệ số và truyền thông xã hội, và về thanh thiếu niên, văn hóa và các kĩ năng cần thiết khác. Bên cạnh đó, những nội dung kiến thức trong chương trình phải giúp mang lại một nhận thức sâu sắc và toàn diện về kiến thức thông tin trên cơ sở một tư duy sáng tạo và quan điểm giải quyết vấn đề. Việc đào tạo thư viện trường học cũng cần giúp người học nhận thức rõ về vai trò của một cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp với tư cách là người tiên phong trong nhiệm vụ hỗ trợ, là chất xúc tác và là một thành viên của cộng đồng thư viện trường học.

3.5. Vai trò của cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp

Những vai trò chủ yếu của cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp bao gồm: giảng dạy, quản lí, lãnh đạo và cộng tác, và gắn kết cộng đồng. Các vai trò đó được trình bày chi tiết trong các phần dưới đây.

3.5.1. Giảng dạy

Vai trò giảng dạy của cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp bao gồm nhiều hình thức truyền dạy khác nhau với từng cá nhân học sinh, các nhóm học sinh, các lớp học cũng như việc hỗ trợ phát triển nghề nghiệp chính thức và không chính thức cho các đồng nghiệp khác. Những hoạt động trọng tâm trong công tác giảng dạy mà cán bộ thư viện trường học đảm đương, được trình bày chi tiết ở chương 5, bao gồm:

  • Việc khuyến khích hiểu biết và khuyến khích việc đọc;

  • Kiến thức thông tin (các kĩ năng thông tin, các năng lực thông tin, sự thông thạo về thông tin, kiến thức về các phương tiện truyền thông, năng lực hiểu biết và truyền thông);

  • Học tập qua truy vấn (học tập qua vấn đề, tư duy phản biện);

  • Ứng dụng công nghệ; và

  • Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên.

Ví dụ

Nhiều khung sư phạm đã được xây dựng và sử dụng để hướng dẫn cho giáo viên: Pháp có Các tiêu chuẩn thực hành phương pháp học tập thích ứng với văn hóa thông tin [Repères pour la mise en auvre du Parcours de formation à la culture de l’information]; Bỉ có Các kĩ năng kiến thức truyền thông: Một vấn đề giáo dục lớn [Les compétences en éducation aux medias: un enjeu éducatif majeur]; và UNESCO có Kiến thức truyền thông và thông tin: Chương trình đào tạo giáo viên [Education aux medias et à l’information: programme de formation pour les enseignants].

3.5.2. Quản lí

Vai trò quản lí của cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp thể hiện ở việc tổ chức hệ thống tư liệu và các quy trình thư viện đạt hiệu quả sử dụng tối ưu nhất. Công tác này bao gồm quản lí cơ sở vật chất của thư viện (cả môi trường vật lí và số), các nguồn tài liệu (cả dạng vật lí và số), các chương trình và dịch vụ sư phạm (cả dạng vật lí và số). Quản lí nguồn nhân lực cũng có thể là một phần của vai trò này – tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, giám sát, và đánh giá đội ngũ nhân viên thư viện.

3.5.3. Lãnh đạo và cộng tác

Một vai trò chủ đạo của cán bộ thư viện trường học là góp phần thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của nhà trường. Trên cơ sở cộng tác với cán bộ quản lí và giáo viên trường, cán bộ thư viện xây dựng và triển khai các dịch vụ thư viện theo chương trình giảng dạy nhằm hỗ trợ hoạt động dạy và học cho nhà trường. Cán bộ thư viện đóng góp kiến thức và kĩ năng cung cấp thông tin, sử dụng các nguồn lực phục vụ các hoạt động giảng dạy và học tập như truy vấn và dự án, giải quyết vấn đề, nâng cao kiến thức, khuyến khích đọc sách, và các hoạt động xã hội. Cán bộ thư viện trường học có thể một mình đảm đương hoặc cộng tác với các chuyên gia khác trong nhà trường để thực hiện vai trò tích hợp công nghệ và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lí của nhà trường.

Cộng tác là một phần không thể thiếu trong công việc của cán bộ thư viện. Cán bộ thư viện cộng tác với cán bộ quản lí nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ để thư viện góp phần hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu của nhà trường. Cán b�� thư viện cần trực tiếp báo cáo với hiệu trưởng và phải tham gia vào việc lập kế hoạch cho toàn trường cũng như các nhóm công tác giữ vai trò lãnh đạo khác. Trong cộng đồng nhà trường, cán bộ thư viện trường học phải tạo thuận lợi cho sự gắn kết liên tục thông qua các hoạt động như dự án học tập truy vấn phối hợp đồng thời giữa các môn học và các bài học liên ngành. Cán bộ thư viện trường học cần cộng tác với các cán bộ thư viện trường học khác trong việc tăng cường và tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Ví dụ

Ở bắc Texas, Hoa Kì, các giám đốc thư viện thuộc nhiều thư viện trường học khác nhau th��ờng tiến hành họp theo định kì hàng tháng nhằm trao đổi ý kiến và trình bày những phương pháp mới để triển khai các chương trình và dịch vụ.

3.5.4. Gắn kết cộng đồng

Vai trò gắn kết cộng đồng bao gồm việc xây dựng chương trình, phát triển vốn tài liệu, và các nỗ lực tiếp cận cộng đồng nhằm thu hút đến thư viện các nhóm đối tượng đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, bản xứ cũng như các nhóm đối tượng đặc biệt khác. Các thư viện trường học cần nhận thức được tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục trẻ em và giá trị của việc chuyển giao tri thức giữa các thế hệ.

Trẻ em được gia đình và cộng đồng quan tâm hỗ trợ. Cần có một cách tiếp cận toàn diện nhằm giúp những người đã qua đào tạo từ nhiều lĩnh vực được vào làm việc tại các thư viện trường học, được tham gia và đóng góp ở các cấp độ quản lí, và có thể hỗ trợ truy cập công bằng tới thông tin, ý tưởng và các công trình sáng tạo phục vụ cho hạnh phúc của họ về mặt xã hội, giáo dục, văn hóa, dân chủ và kinh tế. Một trong những giá trị cốt lõi của nhiều cộng đồng là sự chuyển giao tài sản và tri thức giữa các thế hệ. Sự chuyển giao tri thức một cách hiệu quả và có ý nghĩa cho trẻ em trong các cộng đồng này có thể khác nhiều so với môi trường văn hóa chủ đạo mà thư viện trường học hoạt động. Đối với mọi trẻ em, “việc được công nhận” và “cảm giác thân thuộc” là những thành tố giữ vai trò thiết yếu đối với sự hiểu biết và thành tích học tập.

Nếu có thể, cán bộ thư viện trường học cũng cần liên kết, với các nhóm thư viện khác trong cộng đồng rộng lớn hơn, gồm có các thư viện công cộng và các hiệp hội nghề thư viện. Để nâng cao hiệu quả dịch vụ thư viện dành cho trẻ em và thanh thiếu niên trong một cộng đồng nhất định, các thư viện trường học và thư viện công cộng cần nỗ lực hợp tác. Một thỏa thuận hợp tác bằng văn bản phải bao quát các nội dung: các tiêu chuẩn đánh giá chung cho hoạt động hợp tác; nêu rõ và quy định các lĩnh vực hợp tác; làm rõ những liên quan về mặt kinh tế cũng như cách thức đóng góp kinh phí; và thời gian hợp tác được xác định cụ thể. Thí dụ về những lĩnh vực hợp tác có thể kể đến như cùng đào tạo nhân lực; liên kết phát triển vốn tài liệu và xây dựng chương trình; phối hợp triển khai các dịch vụ điện tử và mạng lưới; đưa các lớp học đến tham quan thư viện công cộng; hợp tác trong hoạt động khuyến khích đọc và nâng cao hiểu biết; hợp tác trong marketing các dịch vụ thư viện cho trẻ em và thanh thiếu niên.

3.5.5. Quảng bá các chương trình và dịch vụ thư viện

Quảng bá các chương trình và dịch vụ thư viện là truyền thông đến người dùng về những gì thư viện cung cấp và làm cho các chương trình và dịch vụ đó phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dùng. Các chương trình, dịch vụ và trang thiết bị mà thư viện trường học cung cấp phải được tích cực quảng bá để các nhóm đối tượng mục tiêu hiểu về thư viện với vai trò là người đồng hành của họ trong quá trình học tập và là nhà cung cấp các chương trình, dịch vụ và nguồn lực. Các nhóm đối tượng mục tiêu mà hoạt động quảng bá dịch vụ thư viện hướng tới bao gồm: hiệu trưởng và các thành viên khác trong ban giám hiệu, trưởng các phòng, bộ môn, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Điều quan trọng là cần tiến hành truyền thông sao cho phù hợp với đặc điểm của từng trường và từng nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau.

Thư viện trường học cần có một kế hoạch quảng bá được viết thành văn bản và kế hoạch này phải được thực hiện trong quá trình cộng tác với ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên. Kế hoạch cần bao gồm các yếu tố sau: mục tiêu; kế hoạch hành động trong đó chỉ rõ biện pháp thực hiện mục tiêu; và phương pháp đánh giá giúp đánh giá thành công của kế hoạch hành động.

3.6. Vai trò và năng lực của đội ngũ nhân viên hỗ trợ thư viện trường học

Đội ngũ nhân viên hỗ trợ thư viện trường học (là các nhân viên hỗ trợ hoặc nhân viên kĩ thuật) chịu sự quản lí của cán bộ thư viện và trợ giúp các công việc văn phòng và kĩ thuật cho cán bộ thư viện. Nhân viên hỗ trợ thư viện trường học cần được đào tạo và bồi dưỡng để đảm đương được các yêu cầu công việc hàng ngày của thư viện trường học như xếp giá, mượn trả, xử lí tài liệu thư viện, và cung cấp các dịch vụ kĩ thuật như quản lí lưu thông trực tuyến, biên mục và truy cập tới các nguồn lực số.

3.7. Vai trò và năng lực của tình nguyện viên thư viện trường học

Tình nguyện viên không phải là người thay thế cho cán bộ thư viện được trả lương mà chỉ là người giữ vai trò hỗ trợ theo thỏa thuận về sự tham gia của họ vào các hoạt động thư viện dưới sự giám sát của cán bộ thư viện. Học sinh cũng có thể trở thành tình nguyện viên thư viện trường học nhưng phải được hướng dẫn tỉ mỉ và giám sát về công việc. Tình nguyện viên là học sinh phải là những học sinh lớp lớn, được lựa chọn qua một quy trình chính thức và được đào tạo để thực hiện những nhiệm vụ như giúp trưng bày sách, xếp lại tài liệu lên giá, đọc sách cho trẻ em nhỏ tuổi hơn, và giới thiệu sách cho bạn cùng học.

Ví dụ

Ở Michigan, Hoa Kì, Library Squad (Nhóm Thư viện) của trường tiểu học đã góp phần giúp thư viện hoạt động hiệu quả. Mỗi tuần một lần, các học sinh này xếp tài liệu lên giá, tập hợp sách từ các lớp mẫu giáo, và thỉnh thoảng hỗ trợ việc dán nhãn và gán mã vạch cho các tài liệu mới.

3.8. Các chuẩn mực đạo đức

Mọi thành viên làm việc trong thư viện trường học, kể cả các tình nguyện viên, phải có trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi phối hợp công việc với nhau và khi tương tác với các thành viên khác trong cộng đồng nhà trường. Họ phải luôn đặt quyền lợi của người dùng lên trên quyền lợi bản thân và tránh thiên vị do quan điểm hoặc niềm tin cá nhân khi cung cấp dịch vụ thư viện. Mọi trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn phải được đối xử công bằng không kể năng lực hay lai lịch của họ: Các quyền riêng tư và quyền được biết phải được bảo vệ.

Mọi người làm việc trong thư viện trường học, kể cả các tình nguyện viên, phải cố gắng để thực hiện những giá trị cốt lõi của nghề thư viện: phục vụ, giúp đỡ, tự do trí tuệ, duy lí, hiểu biết và học tập, công bằng trong truy cập tới kiến thức và thông tin được ghi lại, đảm bảo bí mật riêng tư, và dân chủ. Những giá trị cốt lõi của sự công bằng trong truy cập tới kiến thức và thông tin được ghi lại và tự do trí tuệ được thể hiện trong Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và trong các giá trị của IFLA (www.ifla.org/about/more). 

 

Chương 4

CÁC NGUỒN LỰC VẬT CHẤT VÀ SỐ CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC


“Đội ngũ nhân viên thư viện hỗ trợ việc sử dụng sách và các nguồn thông tin khác, từ tiểu thuyết tới tư liệu, từ tài liệu in ấn tới tài liệu điện tử, cả tại chỗ và từ xa. Các tài liệu đó bổ sung và làm phong phú thêm cho vốn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và lí luận.” (Tuyên ngôn về Thư viện trường học)

4.1. Giới thiệu

Các nguồn lực vật chất và số của thư viện trường học bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị và các bộ sưu tập tài nguyên phục vụ giảng dạy và học tập. Công nghệ giúp thư viện trường học ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn trường và cả cộng đồng. Công nghệ cũng cho phép truy cập 24/7 tới các nguồn lực của thư viện trường và các nguồn lực khác không phụ thuộc thời gian học hay lịch học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và các bộ sưu tập của thư viện trường học cần được phát triển để đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh và giáo viên.

4.2. Cơ sở vật chất

Các chức năng và việc sử dụng thư viện trường học có tầm quan trọng hàng đầu trong quá trình lập kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp các công trình trường học. Vai trò giáo dục của thư viện trường học cần được phản ánh qua cơ sở vật chất thư viện. Ngày nay, nhiều thư viện trường học đang được thiết kế như một “trung tâm học tập” nhằm phục vụ người dùng gia nhập vào “nền văn hóa tham gia”, nền văn hóa mà ở đó người dùng không chỉ sử dụng thông tin mà còn tham gia sáng tạo thông tin. Các trung tâm học tập - thư viện cung cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc sáng tạo các sản phẩm thông tin, đồng thời cũng là không gian học tập và nghiên cứu.

4.2.1. Địa điểm và không gian

Mặc dù không có tiêu chuẩn quốc tế nào quy định quy mô và thiết kế cơ sở vật chất của thư viện trường học nhưng cần đặt ra những tiêu chí làm cơ sở cho việc lập kế hoạch. Nhìn chung, các thư viện đang chuyển dần từ mô hình lấy nguồn lực làm trung tâm sang mô hình lấy người học làm trung tâm: Các thư viện trường học và thư viện đại học thường được thiết kế như những trung tâm học tập. Trong quá trình lập kế hoạch cơ sở vật chất của thư viện trường học, cần chú ý những điểm sau:

  • Vị trí trung tâm, tầng trệt, nếu có thể.

  • Thuận tiện đi lại và ở gần khu vực dạy học.

  • Hệ số tiếng ồn, tối thiểu nhất là một số khu vực của thư viện phải không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn bên ngoài.

  • Ánh sáng thích hợp và đầy đủ, cả ánh sáng tự nhiên và / hoặc ánh sáng nhân tạo.

  • Nhiệt độ phòng thích hợp để đảm bảo các điều kiện hoạt động tốt quanh năm cũng như phục vụ việc bảo quản các bộ sưu tập.

  • Thiết kế phù hợp cho những người dùng có nhu cầu đặc biệt.

  • Quy mô tương thích để có không gian cho bộ sưu tập sách, truyện tiểu thuyết, truyện người thật việc thật, sách bìa cứng và bìa mềm, báo và tạp chí, các nguồn tài liệu phi in ấn và lưu trữ, không gian học tập, khu vực đọc tại chỗ, khu vực máy trạm, khu vực trưng bày triển lãm, khu vực làm việc cho cán bộ thư viện.

  • Tính linh hoạt cho phép triển khai nhiều hoạt động và đáp ứng những thay đổi của chương trình giảng dạy và công nghệ.

4.2.2. Tổ chức không gian thư viện

Các khu vực chức năng sau đây cần phải được đảm bảo:

  • Khu vực học và nghiên cứu – không gian cho quầy thông tin, hệ thống mục lục, máy tính kết nối mạng, bàn tự học và nghiên cứu, các tài liệu tra cứu và các bộ sưu tập cơ bản.

  • Khu vực đọc thoải mái – không gian cho các loại sách và tạp chí khuyến khích việc nâng cao hiểu biết, học tập suốt đời và đọc để giải trí.

  • Khu vực giảng dạy – không gian có chỗ ngồi phục vụ các nhóm nhỏ, nhóm lớn và giảng dạy cho cả một lớp học, được trang bị công nghệ hỗ trợ giảng dạy thích hợp và không gian trưng bày (thông thường số lượng chỗ ngồi phải đảm bảo cho 10% học sinh của trường).

  • Khu vực truyền thông và dự án nhóm – không gian cho các cá nhân, nhóm và lớp học (thường được gọi là “không gian thí nghiệm” hoặc “không gian sáng tạo”).

  • Khu vực hành chính – không gian cho quầy lưu thông, khu văn phòng, không gian xử lí tài liệu thư viện, và không gian lưu trữ các thiết bị và tài liệu.

4.2.3. Truy cập vật lí và số

Việc truy cập vật lí và số tới thư viện cần được tạo điều kiện tối đa. Công nghệ có thể cho phép truy cập số tới các nguồn lực thông tin của thư viện trường học trên quy mô toàn trường và không giới hạn về thời gian. Những thư viện có nhân lực hạn chế nên cân nhắc sử dụng đội ngũ giám sát là các học sinh đã qua đào tạo và các tình nguyện viên.

4.3. Xây dựng và quản lí bộ sưu tập

Thư viện trường học cần cung cấp truy cập tới nhiều nguồn lực vật lí và số để đáp ứng nhu cầu của người dùng và bao quát được những đặc điểm về lứa tuổi, ngôn ngữ và nhân khẩu của họ. Các bộ sưu tập cần được phát triển liên tục nhằm để người dùng luôn được tiếp cận các tài liệu mới và phù hợp. Chính sách quản lí bộ sưu tập xác định mục đích, phạm vi và nội dung của bộ sưu tập, việc truy cập tới các nguồn lực bên ngoài, và giúp bảo đảm chất lượng nguồn lực. Hiện nay, các nguồn lực số như sách điện tử (sách tham khảo, tiểu thuyết, sách người thật việc thật), các cơ sở dữ liệu trực tuyến, báo và tạp chí trực tuyến, trò chơi điện tử, và các học liệu đa phương tiện ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nguồn lực thư viện.

Ngoài các bộ sưu tập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, thư viện trường học cần có bộ sưu tập nguồn lực phục vụ nhu cầu chuyên môn của cán bộ thư viện trường học và giáo viên (nghĩa là những tài liệu về giáo dục, các môn học được giảng dạy, các phương pháp và phương thức giảng dạy / học tập mới) và một bộ sưu tập nguồn lực cần thiết cho phụ huynh và người giám hộ.

Ví dụ: Ở Rome, Ý, thư viện trường tiểu học đã xây dựng một “Giá sách dành cho phụ huynh” - nơi luôn có các tài liệu về tâm lí trẻ em, giáo dục, và các chủ đề cụ thể như những nỗi sợ hãi và lòng tự trọng của trẻ em.

4.3.1. Chính sách và thủ tục quản lí bộ sưu tập

Cán bộ thư viện trường học cùng với ban giám hiệu và giáo viên xây dựng chính sách quản lí bộ sưu tập. Một chính sách như vậy phải căn cứ vào chương trình giảng dạy và những nhu cầu, mối quan tâm cụ thể của cộng đồng nhà trường và phải phản ánh tính đa dạng của xã hội bên ngoài nhà trường.

Những yếu tố sau cần được thể hiện trong chính sách quản lí bộ sưu tập:

  • Sứ mệnh của thư viện trường học, nhất quán với Tuyên ngôn IFLA/UNESCO về Thư viện trường học.

  • Những tuyên bố về tự do trí tuệ và tự do thông tin.

  • Mục đích của chính sách quản lí bộ sưu tập, mối liên hệ giữa chính sách với chương trình giảng dạy và với những đặc điểm về quốc tịch, dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và bản địa của người dùng.

  • Các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của việc cung cấp nguồn lực.

  • Trách nhiệm đối với các quyết định quản lí bộ sưu tập.

Chính sách cần chỉ rõ xây dựng bộ sưu tập -hoạt động mang tính hợp tác và các giáo viên, những chuyên gia về từng môn học, hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của học sinh - có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng bộ sưu tập thư viện. Chính sách cần xác lập phương thức rà soát nguồn lực sao cho nhất quán với các nguyên tắc về tự do trí tuệ và quyền được biết của trẻ em. Chính sách cũng cần xác định trách nhiệm của cán bộ thư viện trường học trong việc ngăn chặn truy cập tới các tài liệu kiểm duyệt.

Các thủ tục xây dựng và quản lí bộ sưu tập của thư viện trường học phải được trình bày rõ ràng trong một văn bản riêng biệt hoặc là phụ lục trong chính sách quản lí bộ sưu tập. Văn bản này cần chỉ dẫn nguồn lựa chọn và bổ sung, cung cấp các tiêu chuẩn xử lí và tổ chức (biên mục, phân loại, xếp giá) cũng như bảo quản, phục chế, và thanh lọc nguồn lực. Văn bản định hướng việc thu thập các nguồn lực trong nước và quốc tế, bao quát những đặc điểm về quốc tịch, dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và bản địa của các thành viên trong cộng đồng trường học. Văn bản cũng hướng dẫn cụ thể về việc xem xét lại các tài liệu gây tranh cãi.

Ví dụ: Ở Pháp, cán bộ thư viện trường học sẽ phát triển chính sách bổ sung trên cơ sở lấy ý kiến của cộng đồng trường học và kết hợp với chương trình đào tạo cũng như các hoạt động giảng dạy. Chính sách này được nêu tóm lược trong 10 chỉ dẫn về chính sách bổ sung.

www.cndp.fr/savoirscdi/centre-de-resources/fonds-documentaire-acquisition-traitement/les-10-commandements-dune-politique-dacquisition.html

4.3.2. Các vấn đề về nguồn lực số

Thư viện trường học là điểm truy cập quan trọng cho xã hội thông tin của chúng ta. Thư viện phải cung cấp các nguồn lực thông tin số có liên quan tới chương trình giảng dạy cũng như nhu cầu và văn hóa của người dùng. Nền văn hóa tham gia xuất hiện với sự hỗ trợ của truyền thông xã hội đã góp phần mở rộng vai trò của người dùng thư viện, từ người sử dụng thông tin sang người sáng tạo thông tin. Chính vì lẽ đó, người cán bộ thư viện trường học cần chú ý cung cấp “không gian thực hành”, nơi trang bị máy tính và các thiết bị cần thiết khác phục vụ hoạt động học tập thực hành, bao gồm việc tạo ra các sản phẩm thông tin (như: video, blog, podcast, mô hình 3D, áp phích, đồ họa thông tin).

Các nguồn lực số và việc truy cập Internet ngày càng phổ biến đã đặt ra yêu cầu cho hệ thống biên mục của thư viện trường học: phải thích ứng với việc phân loại và biên mục các nguồn lực này theo các chuẩn quốc gia hoặc quốc tế được chấp thuận nhằm tạo điều kiện để thư viện trường học tham gia vào một mạng lưới rộng lớn hơn. Ở nhiều nơi trên thế giới, thư viện trường học được hưởng lợi nhờ tham gia vào mạng lưới kết nối cộng đồng ở phạm vi vùng hoặc địa phương thông qua một liên hiệp hoặc hệ thống biên mục chia sẻ. Những hình thức cộng tác như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác chọn lọc, biên mục, xử lí và khai thác các nguồn lực. Ở một số nơi khác, nhờ tham gia vào các liên hiệp hoặc nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, thư viện trường học đã có những điều kiện thuận lợi để chia sẻ các cơ sở dữ liệu thương mại có giá thành cao và các tài liệu tham khảo trực tuyến.

Ví dụ: Ở tỉnh Alberta, Canada, Bộ Giáo dục tài trợ toàn bộ ngân sách để cung cấp các nguồn lực thông tin trực tuyến có giá trị bằng tiếng Anh và Pháp cho mọi học sinh và giáo viên trong tỉnh thông qua Trung tâm Tham khảo Trực tuyến (Online Reference Centre www.learnalberta.ca/OnlineReferenceCentre.aspx)

Tiêu chuẩn quản lí bộ sưu tập số cũng giống tiêu chuẩn quản lí bộ sưu tập tài liệu in. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần quan tâm xem xét như sau:

  • Truy cập – việc truy cập sẽ được khuyến khích hay hạn chế khi lựa chọn tài liệu dạng số thay vì dạng in?

  • Các vấn đề về tài chính và kĩ thuật - về lâu dài, chi phí cho tài liệu số có cao hơn không, do thư viện tiếp tục phải trả phí cấp phép truy cập hoặc phí chuyển dạng tài liệu mới?

  • Các vấn đề về pháp lí và cấp phép - luật bản quyền hoặc các điều khoản cấp phép sử dụng tài liệu số có giới hạn số lượng người dùng, truy cập đoạn tuyến hoặc thông tin riêng tư của người dùng không?

  • Vấn đề an ninh - Việc truy cập tới các nguồn lực sẽ được bảo vệ như thế nào?

4.3.3. Tiêu chuẩn bộ sưu tập

Ngày nay, khi bộ sưu tập của một thư viện trường học thường bao gồm nhiều nguồn lực số có sẵn tại thư viện hoặc thông qua các cơ sở dữ liệu thương mại, các tài liệu tham khảo có đăng ký từ bên ngoài, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn dành cho bộ sưu tập thư viện trường học không phải là việc làm dễ dàng. Dù có tham khảo các tiêu chuẩn về bộ sưu tập của quốc gia hoặc địa phương hay không thì các quyết định phát triển bộ sưu tập cần dựa trên yêu cầu của chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy.

 

Cần xây dựng một bộ sưu tập hài hòa bao gồm các tài liệu hiện hành và phù hợp vớicác đối tượng người dùng có độ tuổi, năng lực, phong cách học tập và hoàn cảnh khác nhau. Bộ sưu tập đó phải hỗ trợ nguồn lực thông tin (cả dạng vật lí và số) cho chương trình giảng dạy. Ngoài ra, thư viện trường học cần bổ sung các tài liệu phục vụ nhu cầu giải trí như tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết bằng hình, âm nhạc, trò chơi điện tử, phim, tạp chí phổ thông, truyện tranh và áp phích. Những nguồn lực đó nên được chọn lọc trên cơ sở tham khảo ý kiến của học sinh sao cho phù hợp với sở thích và văn hóa của họ.

4.3.4. Chia sẻ nguồn lực

Thư viện trường học cần giúp người dùng nâng cao khả năng truy cập tới các tài liệu thư viện thông qua hình thức mượn liên thư viện và chia sẻ nguồn lực. Mặc dù vậy, do đây không phải là một chức năng truyền thống của nhiều thư viện trường học nên chưa có nhiều hệ thống hiệu quả phục vụ cho hoạt động này. Mượn liên thư viện và chia sẻ nguồn lực được triển khai thuận lợi ở những thư viện trường học liên kết với nhau thông qua mục lục liên hợp hoặc cùng chia sẻ truy cập tới các cơ sở dữ liệu trực tuyến và các tài liệu tham khảo dạng số.

Ví dụ: Ở Vicenza, Ý, thư viện của 26 trường trung học phổ thông, 15 trường hỗn hợp (tiểu học và trung học cơ sở) và hai thành viên độc lập (một quỹ và một công ty) đã thành lập mạng lưới chia sẻ nguồn lực và phần mềm thư viện, cung cấp dịch vụ mượn liên thư viện.

www.rbsvicenza.org/index.php?screen=new&loc=S&osc=new&orderby=Autore

Chương 5

                       CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC                                                                                

“Thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu của quá trình giáo dục.” (Tuyên ngôn về Thư viện trường học)

5.1. Giới thiệu

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, thư viện trường học phải tham gia tích cực vào cộng đồng giáo dục thông qua các chương trình được nghiên cứu cẩn trọng về các hoạt động giảng dạy và dịch vụ. Các chương trình và hoạt động được thư viện trường học cung cấp rất đa dạng trên toàn thế giới bởi chúng phải phù hợp với mục tiêu của nhà trường và cộng đồng (xem mục 3.5.4. Gắn kết cộng đồng)

Thuật ngữ dùng để mô tả các chương trình và hoạt động của thư viện trường học cũng không thống nhất. Ví dụ, việc phát triển những người đọc tích cực và có kĩ năng được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau như “khuyến khích đọc” (reading promotion), “đọc diện rộng” (reading widely), “đọc tự nguyện” (free voluntary reading) hoặc “đọc giải trí” (leisure or recreational reading, reading for pleasure). Tuy nhiên, dù sử dụng thuật ngữ nào thì việc phát triển những người đọc có kĩ năng tốt, những người được khuyến khích đọc là một nội dung quan trọng trong các chương trình và hoạt động của thư viện trường học trên toàn cầu.

Một thuật ngữ đang gây tranh luận nữa là về việc sử dụng thông tin. Những hoạt động từng được gọi là “hướng dẫn thư mục” (hướng dẫn cách sử dụng các văn bản và hệ thống của thư viện) và “đào tạo người dùng” (bất cứ hình thức nào được sử dụng để giúp người dùng hiểu về thư viện và các dịch vụ của thư viện), hiện nay, thường được gọi là “kiến thức thông tin” và “truy vấn”. Việc thư viện hướng dẫn sử dụng thông tin đã và đang thay đổi: theo cách tiếp cận nguồn, trong những năm 1960 và 1970; cách tiếp cận dẫn đường, trong những năm 1980; và cách tiếp cận xử lí, bắt đầu từ những năm 1990 (Khulthau, 2004). Cách tiếp cận xử lí nhấn mạnh việc tư duy về thông tin và việc sử dụng thông tin trên quan điểm giải quyết vấn đề. Cách tiếp cận này không bác bỏ tri thức của các cách tiếp cận trước đó, như các công cụ tri thức, nguồn, và chiến lược tìm tin, mà nó nhấn mạnh rằng tri thức đó được phát triển tốt nhất thông qua quá trình truy vấn trong hoạt động giảng dạy về tư duy và giải quyết vấn đề.

5.2. Chương trình và hoạt động

Thư viện trường học đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động giảng dạy và học tập ở nhà trường; thư viện trường học cũng đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội của nhà trường như gắn kết người học, liên kết người học và quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng bên ngoài. Các mục tiêu của thư viện trường học phải phù hợp với các mục tiêu của nhà trường như nâng cao tri thức, học tập theo chương trình giảng dạy, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Vai trò của thư viện trường học trong việc hoàn thành mục tiêu của nhà trường phụ thuộc vào các nguồn lực và việc phân bổ nhân lực cho thư viện trường học.

Các dịch vụ và hoạt động phải được thiết kế bởi các cán bộ thư viện có trình độ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với hiệu trưởng nhà trường hoặc các giáo viên trưởng khối, các trưởng bộ phận và các chuyên gia về học tập khác trong nhà trường, với các giáo viên đứng lớp, đội ngũ nhân viên hỗ trợ và học sinh. Nếu một cán bộ thư viện có trình độ, người lựa chọn các nguồn lực thông tin phục vụ giảng dạy, học tập và hợp tác với các giáo viên đứng lớp để xây dựng các nội dung giảng dạy dựa trên các nguồn lực đó, không được tiếp cận với chuyên môn thì không thể có được những tiến bộ trong thành tích học tập của học sinh như kết quả báo cáo từ các công trình nghiên cứu.

Trọng tâm các hoạt động cốt lõi của một thư viện trường học sẽ phụ thuộc vào chương trình và ưu tiên của nhà trường và phải phản ánh những tiến triển về mục tiêu đào tạo qua từng cấp học.

5.3. Nâng cao hiểu biết và khuyến khích đọc

Thư viện trường học giúp học sinh nâng cao hiểu biết và khuyến khích việc đọc. Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan trực tiếp giữa mức độ đọc và kết quả học tập, và việc tiếp cận với các tài liệu đọc là nhân tố chính để phát triển những người đọc say mê và có kĩ năng (Krashen, 2004). Cán bộ thư viện trường học phải vận dụng các phương pháp thực tế và linh hoạt khi cung cấp các tài liệu đọc cho người dùng, khuyến khích các sở thích cá nhân của người đọc, và tôn trọng các quyền cá nhân được lựa chọn tài liệu họ muốn đọc. Những học sinh được trao cơ hội lựa chọn đọc cho riêng mình thường có điểm thi tốt hơn qua thời gian. Những học sinh gặp khó khăn với việc đọc cần các tài liệu đọc thay thế và, trong một số trường hợp, có thể cần đến các thiết bị đọc đặc biệt. Cán bộ thư viện trường học phải cộng tác được với các giáo viên chuyên dạy các đối tượng học sinh này để trợ giúp các nhu cầu đọc của họ. Cán bộ thư viện trường học cũng cần hỗ trợ công việc của các giáo viên bằng cách tổ chức hoạt động đọc trong lớp học nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cơ sở và quốc gia (ví dụ, giúp đưa ra gợi ý về những sách phù hợp với các dự án đọc và những sách phục vụ cho các tiêu chuẩn ngôn ngữ của quốc gia).

Cán bộ thư viện trường học cần tạo dựng một môi trường thẩm mĩ và truyền cảm hứng với nhiều loại hình tài liệu in và tài liệu số, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều hoạt động khác nhau từ đọc yên tĩnh tới thảo luận nhóm và hoạt động sáng tạo. Cán bộ thư viện trường học cần đảm bảo các chính sách mượn thoải mái nhất có thể và hết sức tránh việc phạt tiền hoặc phạt dưới hình thức khác đối với tài liệu mượn quá hạn và tài liệu bị mất.

Ví dụ

Ở Pháp, cuộc thi Babelio (Babelio Challenge) khơi dậy niềm hứng thú đọc sách và khuyến khích văn học dành cho thiếu nhi thông qua một mạng xã hội văn học: www.babelio.com

5.4. Giảng dạy về kiến thức thông tin và truyền thông

Nhiệm vụ thứ hai của thư viện trường học là phát triển những học sinh có thể định vị và sử dụng thông tin một cách có trách nhiệm và đạo đức phục vụ cho cuộc sống của họ với tư cách là người học và đồng thời là một công dân trong một thế giới luôn biến động. Tài liệu năm 2011 của UNESCO, Chương trình giảng dạy về Kiến thức thông tin và truyền thông dành cho giáo viên [MIL], đã giải thích vì sao cần xem xét đồng thời cả kiến thức thông tin và kiến thức truyền thông. Khung chương trình giảng dạy MIL dành cho giáo viên chỉ ra ba nội dung giảng dạy và học tập:

  1. Kiến thức và hiểu biết về thông tin và truyền thông phục vụ sự tham gia dân chủ và xã hội;

  2. Đánh giá các dạng thức truyền thông và các nguồn thông tin (tập trung vào người sáng tạo, đối tượng thụ hưởng, thông điệp); và

  3. Việc sản xuất và sử dụng thông tin và truyền thông.

Các cán bộ thư viện trường học nhất trí rằng cần phải có một khung chương trình mang tính hệ thống về các kĩ năng thông tin và truyền thông, và họ góp phần nâng cao kĩ năng của học sinh thông qua hoạt động hợp tác với các giáo viên. Mục đích của chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình giảng dạy về kiến thức thông tin và truyền thông là nhằm phát triển những học sinh, những công dân có trách nhiệm và đạo đức trong xã hội. Những học sinh có kiến thức thông tin phải là những người học có năng lực tự định hướng, hiểu nhu cầu thông tin của mình và gắn kết một cách tích cực với thế giới tư tưởng. Họ phải tự tin về năng lực giải quyết vấn đề và biết cách định vị các thông tin phù hợp và đáng tin cậy; có khả năng sử dụng các công cụ công nghệ để truy cập thông tin và truyền đạt những gì học hỏi được; có khả năng xử lí tốt trong những tình huống có nhiều phương án trả lời khác nhau, cũng như trong những tình huống không có câu trả lời; phải đạt được những tiêu chuẩn cao trong công việc và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những học sinh có kiến thức thông tin phải linh hoạt, có khả năng thích ứng với thay đổi, có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.

Ví dụ

Ở Pháp, học sinh được dạy cách sử dụng Internet có trách nhiệm. http://eduscol.education.fr/internet-responsable

5.5. Các mô hình học tập qua truy vấn

Nhiều nước, chính quyền địa phương và thư viện trường học đã xây dựng những mô hình đào tạo rất thành công về thiết kế chương trình giảng dạy nhằm phát triển kĩ năng thông tin và truyền thông trong phạm vi các dự án truy vấn. Các trường học không có mô hình do cơ quan quản lí giáo dục của mình đề xuất nên lựa chọn một mô hình phù hợp nhất với mục đích và mục tiêu học tập của chương trình đào tạo, hơn là cố gắng phát triển mô hình riêng của mình. Các ví dụ về mô hình đào tạo dành cho phương thức học tập qua truy vấn được cung cấp ở Phụ lục C.

Các mô hình đào tạo dành cho phương thức học tập qua truy vấn thường sử dụng cách tiếp cận quy trình để cung cấp cho học sinh một quy trình học tập có thể chuyển đổi qua các lĩnh vực nội dung cũng như từ môi trường học thuật tới cuộc sống thực tế. Những mô hình này đều có chung những quan điểm cơ bản sau:

  • Người học viết nội dung mới từ các thông tin.

  • Người học tạo ra một sản phẩm chất lượng bằng cách tiếp cận quy trình.

  • Người học học cách làm việc độc lập (tự định hướng) và làm việc nhóm.

  • Người học sử dụng thông tin và công nghệ thông tin một cách có trách nhiệm và có đạo đức.

Các mô hình đào tạo dành cho phương thức học tập qua truy vấn tích hợp những kĩ năng học tập suốt đời và học tập qua truy vấn thiết yếu như: lập kế hoạch, định vị và tập hợp, lựa chọn và tổ chức, xử lí, trình bày và chia sẻ, và đánh giá. Các mô hình đào tạo dựa trên quy trình cũng tăng cường kĩ năng học tập tự định hướng (nghĩa là siêu nhận thức - metacognition) và các kĩ năng cộng tác. Những kĩ năng này được phát triển tốt nhất trong phạm vi ngữ cảnh gắn kết với các chủ đề và vấn đề được thiết kế từ chương trình đào tạo.

Các kĩ năng lập kế hoạch là hết sức cần thiết đối với bất kì nhiệm vụ nghiên cứu, bài tập, dự án, bài luận hay chủ đề nào. Ở giai đoạn đầu của một truy vấn, các hoạt động lập kế hoạch bao gồm xây dựng bộ câu hỏi phù hợp, nhận diện các nguồn lực tiềm năng và các chiến lược tìm tin khả thi, và hoạch định một tiến độ hợp lí. Thông qua quy trình truy vấn, người học sẽ chỉnh sửa kế hoạch của mình sao cho phù hợp với những thách thức và trở ngại ngoài dự kiến.

Các kĩ năng định vị và tập hợp đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tìm tin. Những kĩ năng này bao gồm việc nắm được trật tự chữ cái và số, việc sử dụng các kiểu chiến lược tìm tin khác nhau trong các cơ sở dữ liệu trên máy tính và trên Internet, và việc sử dụng các bảng chỉ mục và nguồn tài liệu tham khảo. Bên cạnh việc tìm hiểu về các nguồn tin, tập hợp thông tin có thể bao gồm các phương pháp như điều tra, phỏng vấn, thử nghiệm và quan sát.

Các kĩ năng lựa chọn và tổ chức cần đến tư duy có phê phán và tư duy đánh giá. Lựa chọn bao gồm việc tìm kiếm các thông tin vích hợp với trọng tâm của yêu cầu truy vấn. Vận dụng các tiêu chí như tính xác thực, tính đầy đủ, tính kịp thời, tính chính xác, và quan điểm giúp người học đưa ra những quyết định có cơ sở và phù hợp về thông tin tìm được.

Xử lí thông tin bao gồm việc viết các nội dung mới trên cơ sở sử dụng các kĩ năng như tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau, suy luận, rút ra kết luận, và xây dựng mối liên kết với các kiến thức trước đó. Nhờ các kĩ năng này, người học nâng cao hiểu biết về thông tin mà họ thu thập được, chuyển những thông tin đó thành tri thức cá nhân của mình.

Trình bày và chia sẻ bao gồm việc sáng tạo ra những sản phẩm có chất lượng trong đó các ý tưởng được truyền đạt rõ ràng, phản ánh các mục đích và tiêu chí đã đề ra và thể hiện các kĩ năng trình bày hiệu quả, kể cả sự hiểu biết về đối tượng người nghe.

Các kĩ năng đánh giá bao gồm việc xem xét cả quy trình và sản phẩm của yêu cầu truy vấn. Người học cần phải có khả năng tư duy có phê phán về nỗ lực của họ và những gì họ đạt được. Họ phải liên kết được sản phẩm cuối cùng của mình với kế hoạch ban đầu và nhận định xem sản phẩm đã đạt được mục đích đã đề ra chưa, tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của dự án học tập, và suy nghĩ về những cải tiến và ý nghĩa của các nhiệm vụ tiếp theo trong tương lai.

Các kĩ năng học tập tự định hướng có ý nghĩa quyết định đối với sự tiến bộ của người học tập suốt đời. Người học cần được định hướng trong suốt yêu cầu truy vấn để suy nghĩ về quy trình học tập và suy luận của mình và sử dụng sự tự nhận thức đó để xây dựng mục tiêu học tập và quản lí quá trình thực hiện mục tiêu đó. Người học tự định hướng có khả năng sử dụng các nguồn truyền thông để thu thập thông tin và phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, tìm kiếm đáp án cho các câu hỏi, xem xét và đánh giá các quan điểm khác nhau.

Các kĩ năng hợp tác được phát triển khi người học làm việc nhóm với nhiều cá nhân và các nguồn lực, công nghệ đa dạng; học cách bảo vệ quan điểm cũng như phê phán quan điểm trên tinh thần xây dựng; thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng và tôn trọng kinh nghiệm, hoàn cảnh và phong cách học tập của những người khác; làm việc cùng nhau để tạo ra những dự án phản ánh sự khác biệt giữa các cá nhân và góp phần kết hợp các nhiệm vụ của từng cá nhân thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Hoạt động học qua truy vấn cần được thiết kế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ và liên tục trong việc học tập của người học. Điều này có nghĩa là các kĩ năng phải được nắm bắt dần dần qua các cấp học. Ở những nơi không có mô hình giảng dạy và học tập qua truy vấn được xây dựng ở cấp địa phương hoặc quốc gia, cán bộ thư viện trường học cần cộng tác với các giáo viên đứng lớp và các lãnh đạo nhà trường để lựa chọn một mô hình. Khi các giáo viên và học sinh áp dụng mô hình đó, họ có thể muốn điều chỉnh mô hình cho phù hợp với mục tiêu của nhà trường và nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi điều chỉnh bất cứ mô hình nào. Nếu thiếu hiểu biết sâu sắc về cơ sở lí luận của mô hình, những điều chỉnh có thể làm mất đi hiệu quả vốn có của mô hình.

Ví dụ

Học sinh trung học cơ sở ở Uppsala, Thụy Điển, bắt đầu các dự án truy vấn bằng cách đọc một tiểu thuyết xã hội không tưởng. Tiểu thuyết đó được đưa ra thảo luận trong các nhóm đọc sách. Học sinh tập trung các câu hỏi riêng của mình vào các chủ đề từ cuốn sách như giám sát, hiện tượng ấm lên toàn cầu, hoặc các bệnh tật. Họ tìm thông tin, ban đầu ở phạm vi rộng sau hẹp dần, nhằm bộc lộ một trọng tâm truy vấn cụ thể riêng biệt (ví dụ, từ giám sát tất cả mọi thứ sang một vấn đề truy vấn cụ thể như chính quyền có thể giám sát người dân ngay trên điện thoại thông minh như thế nào). Sản phẩm cuối cùng của dự án là một bài luận, dưới hình thức một bài thi viết, sử dụng các tài liệu mà mỗi sinh viên đã thu thập được và sắp xếp thành danh mục.

5.6. Tích hợp công nghệ

Nghiên cứu về thư viện trường học đã chứng tỏ vai trò quan trọng của thư viện trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ cũng như hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin. Công nghệ giúp mở rộng tầm với của thư viện và các nguồn lực đến tận từng lớp học và xa hơn nữa. Cán bộ thư viện trường học giúp học sinh hiểu rằng khi triển khai các chiến lược tìm tin trực tuyến cần chú trọng sử dụng các nguồn lực thông tin trên Internet và các cơ sở dữ liệu và công cụ sản xuất. Cán bộ thư viện trường học cộng tác với các chuyên gia công nghệ của trường, nếu có vị trí nhân sự này, nhằm bảo đảm phân định rõ ràng hai vị trí công việc và bảo đảm không có sự thiếu hụt hay dư thừa nào về dịch vụ công nghệ và chương trình được cung cấp cho giáo viên và học sinh trong trường.

5.7. Nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên

Thư viện trường học hỗ trợ giáo viên bằng cách tạo cơ hội phát triển chuyên môn cho họ, nhất là cung cấp tài liệu và công nghệ mới, chương trình đào tạo mới và các chiến lược giảng dạy mới. Cán bộ thư viện trường học thường giúp phát triển chuyên môn với vai trò người cộng sự trong quá trình học tập với các đồng nghiệp giáo viên dưới nhiều hình thức:

  • Cung cấp cho giáo viên các nguồn lực giúp họ mở rộng kiến thức về môn học hoặc cải tiến phương pháp giảng dạy;

  • Cung cấp các nguồn lực phục vụ các chiến lược đánh giá và kiểm định khác nhau;

  • Đóng vai trò cộng tác trong việc lập kế hoạch cho nhiệm vụ học tập cần triển khai trong lớp học và / hoặc trong thư viện; và

  • Sử dụng thư viện như một điểm truy cập tới một tập hợp rộng lớn hơn các nguồn lực thông qua cơ chế mượn liên thư viện cũng như các mạng lưới cá nhân và kĩ thuật số.

5.8. Vai trò giảng dạy của cán bộ thư viện trường học

Một cán bộ thư viện trường học có trình độ phối hợp với các đồng nghiệp giáo viên nhằm giúp học sinh được học tập với điều kiện tối ưu. Tốt nhất là cán bộ thư viện trường học kết hợp giảng dạy với các giáo viên khác, và mỗi thành viên trong nhóm giảng dạy đóng một vai trò khác nhau về chuyên môn trong thiết kế và triển khai các hoạt động giảng dạy và học tập.

Dưới đây là bốn phương pháp kết hợp giảng dạy, theo đó cán bộ thư viện trường học và các giáo viên đứng lớp có thể cùng cộng tác với tư cách là các giáo viên: giảng dạy hỗ trợ, giảng dạy song song, giảng dạy bổ sung, và giảng dạy theo nhóm.

  1. Giảng dạy hỗ trợ - một giáo viên giữ vai trò chính và một người di chuyển trong lớp học để hỗ trợ từng học sinh nếu cần. Hình thức này được gọi là “một người giảng dạy/ một người hỗ trợ”.

  2. Giảng dạy song song – từ hai giáo viên trở lên cùng lúc làm việc với các nhóm học sinh ở các khu vực khác nhau trong lớp học hoặc trong thư viện. Hình thức này được gọi là “dạy học theo trạm”.

  3. Giảng dạy bổ sung – một giáo viên tiếp tục mở rộng nội dung giảng dạy mà một (hoặc nhiều) giáo viên khác đã đưa ra. Ví dụ, một giáo viên có thể diễn giải cụ thể những nội dung đã được một giáo viên khác trình bày hoặc làm mẫu các kĩ năng ghi chép.

  4. Giảng dạy theo nhóm – từ hai giáo viên trở lên lập kế hoạch, giảng dạy, đánh giá và chịu trách nhiệm về mọi học sinh trong lớp hoặc trong thư viện, cùng chia sẻ nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm.

Mỗi phương pháp kết hợp giảng dạy nêu trên được củng cố khi các giáo viên cộng tác trong việc lập kế hoạch về nội dung, hình thức truyền đạt, và đánh giá hoạt động giảng dạy. Việc cán bộ thư viện trường học và (các) giáo viên đứng lớp cùng lập kế hoạch cũng nâng cao chất lượng giảng dạy khi, trong một số trường hợp, cán bộ thư viện được đóng vai trò giáo viên độc lập trong thư viện hoặc trong lớp học. Việc cộng tác là hết sức cần thiết nhằm cung cấp kiến thức thông tin và truyền thông, nội dung vốn được tích hợp trong chương trình giảng dạy và gắn liền với nhu cầu và hứng thú của học sinh.

Chương 6

ĐÁNH GIÁ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

“Thư viện trường học (TVTH) giữ vai trò trọng yếu trong mọi chiến lược dài hạn nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức, giáo dục, cung cấp thông tin cũng như phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.” (Tuyên ngôn về TVTH)

6.1. Giới thiệu

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tích cực lên thành tích học tập của người học từ các TVTH có nguồn lực dồi dào và đội ngũ những người làm công tác thư viện chuyên nghiệp. Ví dụ, xem LRS (2015) Các nghiên cứu về tác động của TVTH tại Hoa Kỳ (www.lrs.org/data-tools/school-libraries/impact-studies) và Williams, Wavell, C., và Morrison (2013) ở Vương quốc Anh www.scottishliraries.org/storage/sectors/schools/SLIC_RGU_Impact_of_School_Libraries_    2013.pdf). Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa được cộng đồng TVTH biết đến hoặc nhận thức đầy đủ, và các TVTH ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tiếp tục phải đối diện với thực trạng bị cắt giảm biên chế. Việc cắt giảm đó thường dẫn đến những tổn thất về nguồn nhân lực ở các TVTH. Thiếu cán bộ thư viện (CBTV) có chuyên môn, TVTH khó có thể giữ được vai trò tiềm năng là trở thành động lực cải tiến giáo dục và nâng cao thành tích học tập của người học.

Kết quả chủ yếu từ các nghiên cứu về tác động của TVTH trong một thập kỉ qua tiếp tục khẳng định chính các chương trình TVTH cùng với đội ngũ nhân lực thư viện có trình độ chuyên môn / có bằng cấp làm việc toàn thời gian chính là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất lên thành tích học tập của người học. Kết quả nghiên cứu về tác động tích cực của TVTH lên học tập của người học cho thấy TVTH giúp thu hẹp sự chênh lệnh về thành tích học tập thường thấy ở những người học có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, và / hoặc khuyết tật. Ngoài việc có CBTV có trình độ chuyên môn / có bằng cấp làm việc toàn thời gian, các nhân tố TVTH khác có liên quan tới thành tích học tập được cải thiện của người học bao gồm: sự cộng tác, giảng dạy, xây dựng chương trình, truy cập, công nghệ, các bộ sưu tập, ngân sách và phát triển chuyên môn. Do hiện nay các TVTH có nguồn lực dồi dào đang cho phép học sinh (HS) và giáo viên (GV) truy cập tới các nguồn lực và dịch vụ trực tuyến vào bất kì thời điểm nào, các nghiên cứu trong tương lai sẽ cần tập trung đánh giá xem các năng lực số tác động như thế nào đến không gian, thời gian và việc sử dụng.

Đánh giá là việc làm không thể thiếu khi triển khai các chương trình và dịch vụ TVTH. Việc đánh giá có thể giúp ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề (các mối quan tâm về trách nhiệm giải trình); đồng thời tác động đến suy nghĩ của mọi người về TVTH và gia tăng hỗ trợ thư viện (các mối quan tâm về thay đổi nhận thức). Để đảm bảo tính hiệu quả, hoạt động đánh giá TVTH không thể tách rời việc đánh giá kế hoạch giáo dục của nhà trường. Hoạt động đánh giá cũng là một phần trong quá trình lập kế hoạch và phải trở thành bộ phận không thể thiếu trong kế hoạch đảm bảo chất lượng của nhà trường.

6.2. Đánh giá TVTH và thực hành dựa trên chứng cứ

Các TVTH và cán bộ TVTH thường ít được đánh giá một cách thống nhất và có hệ thống, tuy nhiên việc đánh giá giúp đảm bảo các chương trình và dịch vụ thư viện phục vụ đắc lực cho mục tiêu của nhà trường. Việc đánh giá cho phép xác định mức độ mà theo đó các HS và GV thấy rõ lợi ích họ nhận được từ các chương trình và dịch vụ thư viện: Nó còn có thể hỗ trợ việc định hình các chương trình và dịch vụ cũng như nâng cao hiểu biết và trách nhiệm đối với các chương trình và dịch vụ đó trong nội bộ CBTV và người dùng thư viện.

Thực hành dựa trên chứng cứ tập trung vào các sưu tập dữ liệu và phân tích, phục vụ mục đích cải tiến thực tiễn. Các đánh giá được triển khai với tư cách là một phần của thực hành dựa trên chứng cứ thường có phạm vi hẹp, do trường thực hiện, và kết quả thu được là những khuyến nghị cho hoạt động thực tiễn. Các dữ liệu, được thu thập và phân tích phục vụ mục đích liên quan đến thực hành dựa trên chứng cứ, có thể lấy từ các nguồn khác nhau, phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động cần đánh giá, ví dụ: lưu thông trực tuyến và các biểu ghi hệ thống biên mục (OPAC) và các mẫu hướng dẫn, theo từng lớp học, theo khối lớp hoặc theo môn học (chứng cứ trong thực tiễn – dữ liệu phục vụ việc ra quyết định), hoặc các sản phẩm học tập của HS và các điều tra về HS, GV và / hoặc phụ huynh (chứng cứ của thực tiễn – dữ liệu hỗ trợ các tác động của thư viện).

6.3. Các phương pháp đánh giá TVTH

Đánh giá một TVTH bao gồm việc xem xét môi trường và bối cảnh của thư viện. Một đánh giá TVTH tập trung vào chất lượng chung của chương trình thường có phạm vi rộng, được thực hiện bởi các chuyên gia đánh giá ngoài, và kết quả thu được là việc xếp hạng chất lượng. Hầu hết các đánh giá TVTH đều bao gồm một nghiên cứu do CBTV tự thực hiện. Các phương pháp đánh giá TVTH khác do nhà trường triển khai, ngoài xem xét chất lượng chương trình, còn có thể bao gồm: nhận thức của các bên liên quan, nội dung chương trình và tác động của chương trình. Hướng tiếp cận liên tục đối với đánh giá TVTH là thực hành dựa trên chứng cứ.

6.3.1. Chất lượng chương trình

Đánh giá TVTH tập trung vào chất lượng chung của chương trình thường là một dự án dài hạn, được hoàn thành trong nhiều năm và bao gồm nhiều hoạt động khác nhau. Các đánh giá về chất lượng chương trình thường bắt đầu từ một khung hướng dẫn hoạt động như một quy trình kiểm định trường học hay một tài liệu tiêu chuẩn cơ sở hoặc tiêu chuẩn quốc gia. Một đánh giá chương trình tổng hợp cần được thực hiện với sự hỗ trợ tốt về hành chính và kết nối với các chuyên gia đánh giá ngoài, chẳng hạn một chuyên viên tư vấn học khu. Tuy nhiên, cũng có thể thu được kết quả nhờ triển khai đánh giá từng chương trình, được lên kế hoạch cẩn thận nhằm tiết kiệm nguồn lực. Ví dụ, một nghiên cứu tự thực hiện có thể cho thấy quy mô các hoạt động giảng dạy dựa vào thư viện trong một học kì hoặc một năm học để đánh giá được tỉ lệ HS và GV tham gia vào các hoạt động này. Việc so sánh với các tiêu chuẩn có thể giới hạn ở một khía cạnh của chương trình hoặc dịch vụ thư viện như cơ sở vật chất hay vốn tài liệu thư viện.

6.3.2. Nhận thức của các bên liên quan

Các nghiên cứu đưa ra nhiều ví dụ khái quát và truyền cảm hứng về hoạt động đánh giá nhận thức của các bên liên quan. Trong khi việc thực hiện một nghiên cứu chính thường vượt quá khả năng của hầu hết trường học hoặc học khu, vẫn còn các giải pháp thay thế đơn giản mà hiệu quả khác. Hai ví dụ điển hình là a) điều tra mức độ thỏa mãn nhu cầu của học khu và b) điều tra ở quy mô trường học hoặc các nhóm phản hồi. 

Hầu hết các học khu hay cơ quan giáo dục đều có một số hình thức điều tra thỏa mãn nhu cầu hàng năm trên các đối tượng HS, GV và phụ huynh. Phương pháp tập hợp ý kiến của HS về thư viện sẽ có thể tranh thủ được sự giúp đỡ của hiệu trưởng để tiến hành điều tra từng lớp học trong trường, bắt đầu từ khối lớp 1, hỏi HS những câu hỏi như “Điều gì làm cho thư viện trường chúng ta tốt?” và “Chúng ta nên làm thêm gì để thư viện tốt hơn nữa?” Dữ liệu thu được từ các điều tra này cần được phân tích và chia sẻ với GV và cán bộ nhân viên cũng như phụ huynh HS. Phương pháp phù hợp với các trường trung học cơ sở sẽ là tổ chức các buổi gặp gỡ với đại diện HS, mỗi lớp cử ra vài em, lấy ý kiến phản hồi về các dịch vụ và nguồn lực của thư viện trường. Trong một số phiên lấy ý kiến, HS có thể được đặt các câu hỏi nhằm xác định họ mong muốn gì ở thư viện trường và những vấn đề khác cần được khắc phục để thư viện trường trở thành nơi hỗ trợ đắc lực hơn cho người học. Hai phương pháp vừa nêu đều có thể áp dụng dễ dàng để đánh giá một phần cụ thể trong hàng loạt chương trình và dịch vụ thư viện.

6.3.3. Nội dung chương trình

Đánh giá TVTH tập trung vào nội dung chương trình có thể có quy mô rộng hoặc hẹp và có thể được tiến hành một lần hoặc liên tục. Nghiên cứu tự triển khai có thể được thiết kế nhằm phân tích kết quả học tập có được từ các hoạt động giảng dạy dựa vào thư viện trong một học kì hoặc một vài năm. Kết quả học tập có được từ các hoạt động giảng dạy dựa vào thư viện có thể so sánh với kết quả học tập trong một hoặc nhiều chương trình giảng dạy.

Một phương pháp khác là sử dụng các nhóm tập trung bao gồm các GV đứng lớp và hoặc các trưởng khối nhằm xác định những kết quả học tập nào có được từ các hoạt động giảng dạy dựa vào thư viện. Để thu được kết quả tốt nhất (nghĩa là, các buổi thảo luận phong phú và thẳng thắn), không phải CBTV tiến hành tổ chức và điều phối các nhóm tập trung mà do một bên thứ ba, tức là, một người đánh giá ngoài, chẳng hạn như một CBTV từ một trường khác hoặc một chuyên viên tư vấn học tập của học khu.

6.3.4. Tác động của chương trình

Việc đánh giá tác động đối với một TVTH tập trung vào khái niệm “giá trị gia tăng” và có thể được thiết kế nhằm xác định các hoạt động truy vấn của thư viện trường đã đóng góp như thế nào vào hoạt động học tập của người học. Đây là lúc cần tìm hiểu HS xem họ đã học được những gì. Ví dụ, các dự án truy vấn cần đạt được mục tiêu là HS nâng cao hiểu biết về một chủ đề, biết cách thực hiện quy trình truy vấn, và hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Ví dụ, để tìm hiểu mức độ mà theo đó các dự án truy vấn tác động đến việc học của HS, các HS tiểu học từ lớp 1 – 6 trong dự án Library Power (Oberg, 1999) đã được phỏng vấn vào thời điểm kết thúc dự án của mình và được hỏi các câu hỏi sau:

  • Em có thể kể về dự án của mình không – em đã sử dụng sách và máy tính như thế nào? Những việc dễ thực hiện, những việc khó thực hiện?

  • Em đã bắt đầu dự án như thế nào? Em đã làm những gì ở giai đoạn giữa dự án? Em đã kết thúc như thế nào? Em cảm thấy như thế nào ở từng giai đoạn?

  • Em đã học được những gì; điều gì làm em nhớ nhất? Em có chia sẻ dự án của mình ra ngoài trường không? Dự án của em giống với những gì mọi người làm bên ngoài trường như thế nào?

Những khía cạnh khác về hoạt động học tập của HS, có thể được khảo sát thông qua hình thức phỏng vấn, bảng phản hồi, nhật ký học tập, hoặc các nhóm truy vấn, bao gồm:

  • Khả năng xác định nguồn, độ tin cậy, giá trị, và sự thích hợp của thông tin;

  • Khả năng tạo ra các sản phẩm xác thực và được thông tin đầy đủ; hoặc

  • Khả năng quản lí có trách nhiệm nhận dạng số của mình.

Việc phân tích các câu trả lời phỏng vấn của HS hoặc kết quả từ các bảng phản hồi là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của CBTV và GV. Tuy nhiên, thông qua đó, CBTV và GV có thể thấy được HS đã tiến bộ như thế nào về kiến thức và hiểu biết nội dung chương trình giảng dạy cũng như các kĩ năng xử lí và sử dụng thông tin cần thiết trong học tập, công việc, v.v… Việc đưa HS vào các buổi thảo luận về quy trình học tập truy vấn cũng đồng thời giúp HS nhận thức và có khả năng quản lí và điều chỉnh các quá trình học tập của bản thân mình.

6.3.5 Thực hành dựa trên chứng cứ

Thực hành dựa trên chứng cứ là phương pháp toàn diện và tích hợp sử dụng dữ liệu để ra quyết định. Thực hành dựa trên chứng cứ trong TVTH kết hợp 3 loại dữ liệu: a) chứng cứ DÀNH CHO thực tiễn (sử dụng các kết quả từ nghiên cứu chính thống khái quát thực tiễn); b) chứng cứ TRONG thực tiễn (sử dụng các dữ liệu nội sinh nhằm cải biến thực tiễn); và c) chứng cứ VỀ thực tiễn (sử dụng các dữ liệu báo cáo về người dùng và được tập hợp về người dùng để minh chứng kết quả công việc của CBTV) (Todd, 2007). Cán bộ TVTH được tiếp cận với chứng cứ DÀNH CHO thực tiễn thông qua hoạt động đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và từ các tóm tắt kết quả nghiên cứu về TVTH được công bố (ví dụ, Haycock, 1992; Kachel và những người khác, 2013). Cán bộ TVTH sử dụng chứng cứ hình thành TRONG hoạt động thực tiễn của mình, như các biểu ghi lưu thông và kế hoạch các hoạt động giảng dạy, nhằm đưa ra quyết định, ví dụ, về việc đặt mua các nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến khích đọc và về các kế hoạch đảm bảo cho mọi HS đều có cơ hội trải nghiệm hình thức học tập qua truy vấn.

6.4. Tác động của việc đánh giá TVTH

Đánh giá là khía cạnh mang tính phê phán của chu trình đổi mới thường xuyên liên tục. Đánh giá giúp các chương trình và dịch vụ của thư viện phù hợp với các mục tiêu của nhà trường, cho phép HS và GV, đội ngũ CBTV, và cả cộng đồng giáo dục nhận thấy được lợi ích của các chương trình và dịch vụ TVTH. Đánh giá cung cấp những chứng cứ cần thiết để nâng cao hiệu quả các chương trình và dịch vụ này, đồng thời giúp đội ngũ nhân viên thư viện và người dùng thư viện thấu hiểu và đánh giá đúng về các chương trình và dịch vụ đó. Đánh giá thành công sẽ là tiền đề cho việc đổi mới chương trình và dịch vụ cũng như phát triển các chương trình và dịch vụ mới. Đánh giá cũng giữ vai trò thiết yếu trong việc định hướng các sáng kiến về quan hệ công chúng và vận động.

6.5. Quan hệ công chúng của TVTH

Khái niệm quan hệ công chúng đặt trọng tâm vào việc tương tác dài hạn và truyền thông chiến lược giúp xây dựng mối quan hệ cộng đồng lợi ích giữa một cơ quan tổ chức và công chúng của cơ quan tổ chức đó - ở đây là TVTH và các bên liên quan (xem mục 3.5.4 Gắn kết cộng đồng).

Quảng bá và marketing là một phần công việc liên quan đến nhà trường của cán bộ TVTH; cán bộ TVTH cũng có vai trò trong hoạt động vận động nhưng thông thường vận động được lập kế hoạch và triển khai bởi một nhóm như hiệp hội TVTH. Người dùng thư viện là trọng tâm hàng đầu của quảng bá và marketing TVTH: Vấn đề cần quan tâm là việc sử dụng thư viện. Trọng tâm của vận động TVTH là những người ra quyết định và những người có ảnh hưởng đến người ra quyết định: Vấn đề cần quan tâm là ngân sách hoạt động của thư viện và các hỗ trợ khác cho công việc của CBTV.

6.5.1. Quảng bá và marketing

Quảng bá là hình thức truyền thông một chiều với người dùng về những gì thư viện cung cấp. Marketing là hình thức trao đổi hai chiều – tìm cách kết nối các dịch vụ thư viện với nhu cầu và sở thích của những người dùng tiềm năng. Dịch vụ và cơ sở vật chất được TVTH cung cấp phải được tích cực quảng bá và marketing nhằm giúp các nhóm đối tượng mục tiêu (cả trường học và cộng đồng bên ngoài) nhận thức được vai trò của thư viện với tư cách là một đối tác trong học tập và với tư cách là nhà cung cấp các dịch vụ và nguồn lực cần thiết.

Vận động TVTH là nâng cao hiểu biết và hỗ trợ từ những người ra quyết định chủ chốt; nâng cao nhận thức, hiểu biết và đây là công việc cần nhiều thời gian và phải được lập kế hoạch. Các nỗ lực vận động TVTH không hướng tới người dùng thư viện mà tập trung vào việc gắn kết những người ra quyết định với những người có ảnh hưởng đến người ra quyết định.

Vận động là hình thức CBTV và các đồng minh của mình có thể thực hiện khi họ liên kết với nhau và cùng triển theo cách thức đã định. Nền tảng Học tập Trực tuyến IFLA (IFLA Online Learning Platform) (www.ifla.org/bsla) cung cấp tài liệu dành cho những người muốn vận động thư viện và muốn hiểu sâu hơn về cách triển khai vận động. Trang web này có các tài liệu dành riêng cho vận động TVTH, bao gồm các nghiên cứu tình huống về việc hình thành mạng lưới TVTH, thay đổi luật pháp TVTH, phát triển TVTH với tư cách là một lực lượng tham gia cải cách giáo dục. Vận động là việc làm hết sức cần thiết nhằm tăng cường và duy trì sự phát triển TVTH. Vận động và đánh giá giúp xây dựng sự hiểu biết và hỗ trợ vì công cuộc cải tiến hoạt động giảng dạy và học tập cho mỗi cá nhân trong nhà trường.

*****

 Nguyễn Thị Ngọc Mai (biên dịch)

Cùng chuyên mục

Một số suy nghĩ về hoạt động của thư viện trường học trong tuần lễ học tập suốt đời

Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:00

Vào năm 1945, các quốc gia thành lập nên tổ chức UNESCO cùng ký vào một văn bản thoả thuận chung

Thư viện trong kỷ nguyên xuất bản điện tử

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:16

“Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, giờ là thời kì thú vị nhất của nghề thủ thư.' Jamie LaRue, người phụ trách hệ thống thư viện công cộng của hạt Douglas, bang Colorado (Mỹ) nhận định như vậy. Ông là nhà vận động, là gương mặt của một phong trào quốc gia nhằm chuyển đổi vai trò của thư viện từ một nơi bạn đọc tới để mượn những cuốn sách đang ăn khách của các nhà xuất bản lớn thành nơi ươm mầm cho các cây bút tài năng nhưng ít hoặc chưa có tên tuổi trong cộng đồng. “Chưa bao giờ nghề viết lại có sinh lực dồi dào như hiện nay. Đó là cơ hội to lớn dành cho ngành thư viện nếu chúng ta nắm bắt lấy, nếu chúng ta đủ mạnh dạn định vị lại mình. Còn nếu không sẵn lòng làm điều này, chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề. Theo thời gian, vai trò của thư viện sẽ ngày một mai một.  Tới một lúc nào đó, chúng sẽ không còn tồn tại nữa. Đây là vấn đề thích nghi hay là chết.'

Vai trò của cán bộ thư viện trường học trong xã hội hiện đại

Thứ Tư, 13/05/2020 | 15:13

Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đang thay đổi chóng mặt với rất nhiều những cải tổ về công nghệ ở mọi lĩnh vực và sự bùng nổ thông tin. Những thay đổi này đặt ra những thách thức về việc định hướng, chọn lọc thông tin và ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa đọc, văn hóa nghe - nhìn của học sinh. Chính vì vậy, cán bộ thư viện (CBTV) trường học phải là người năng động và sáng tạo, nắm giữ nhiều vai trò quan trọng với nhiều kỹ năng khác nhau mới có thể thực hiện tốt công việc của mình.