Sách và Văn hoá đọc » Văn hóa đọc

Giáo dục văn hóa đọc cho thiếu nhi

Chủ Nhật, 25/10/2020 | 20:58

Số lượt xem: 4905

Trong những năm gần đây, sự phát triển và phổ biến của các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, Internet… đã ảnh hưởng khá lớn tới nhu cầu và thị hiếu đọc sách của lớp trẻ, đặc biệt là các em lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Nhiều người đã cảnh báo về một sự thay thế của “văn hóa nghe - nhìn” cho “văn hóa đọc” trong tương lai.

“Văn hóa đọc” là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các ấn phẩm được xuất bản ở nước ta trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm này chưa được thống nhất.

Văn hóa là một khái niệm phức tạp, đa nghĩa, được nghiên cứu dưới nhiều góc độ và phạm vi khác nhau. Quan niệm phổ biến nhất hiện nay coi văn hóa là tổng thể các hoạt động sáng tạo nhằm phát huy những năng lực bẩm sinh và bản chất của con người, vươn tới cái chân, thiện, mĩ, hình thành nên những giá trị, chuẩn mực xã hội, tạo ra môi trường thứ hai - điều kiện quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Văn hóa được xem xét cả ở hai bình diện: văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Văn hóa cá nhân biểu thị ở khả năng tư duy, học hỏi, thích ứng và sáng tạo, hệ thống quan niệm, thế ứng xử của cá nhân trong đời sống thực tiễn. Văn hóa cộng đồng là văn hóa của một nhóm xã hội bao gồm toàn bộ những quan niệm, giá trị, hệ thống ứng xử, truyền thống...  được cộng đồng đó chấp nhận.

Xuất phát từ quan điểm đó, có thể thấy văn hóa là một yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả cao cho bất kì hoạt động nào của con người, ở cấp độ xã hội cũng như ở cấp độ cá nhân, trong đó có hoạt động đọc.

Lứa tuổi thiếu nhi, tương ứng với tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời con người, có những đặc điểm tâm sinh lí đặc thù. Sách thiếu nhi là một phương tiện đặc biệt phản ánh hiện thực khách quan bằng hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm phù hợp với tâm lí lứa tuổi thiếu nhi. Đọc sách, các em có thể tiếp cận và lĩnh hội các giá trị văn hoá, biến năng lực của loài người thành năng lực của bản thân, đồng thời hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nói cách khác, tri thức lĩnh hội được trong sách tác động tích cực tới sự phát triển các phẩm chất đạo đức (đức) và các năng lực (tài) - hai mặt cơ bản của nhân cách con người cho các em thiếu nhi. Tuy nhiên, sách thiếu nhi sẽ chỉ phát huy tác dụng giáo dục đầy đủ nếu các em có văn hóa đọc: biết lựa chọn sách có nội dung tư tưởng tốt, giá trị nghệ thuật cao, hiểu, đánh giá và lĩnh hội tri thức trong sách một cách đúng đắn, sáng tạo. Ngược lại, sách báo đồi truỵ, kích động bạo lực và năng lực cảm thụ kém, thụ động trong quá trình đọc sách sẽ có tác hại không nhỏ tới nhân cách đang trưởng thành của các em. Giáo dục văn hóa đọc cho các em vì vậy là một yêu cầu cấp thiết với tất cả những ai quan tâm tới sự phát triển toàn diện, hài hòa của thế hệ trẻ.

Giáo dục văn hóa đọc cho các em thiếu nhi, một đối tượng có những đặc điểm tâm sinh lí đặc biệt, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thoả mãn và phát triển nhu cầu hứng thú đọc lành mạnh, đồng thời điều chỉnh nhu cầu hứng thú đọc lệch lạc, phiến diện cho các em. Nhu cầu và hứng thú đọc là nguồn gốc, đồng thời là nhân tố kích thích hoạt động đọc sách, làm cho hoạt động đọc đạt hiệu quả cao hơn. Thiếu nhi đang trong quá trình phát triển, còn ít kinh nghiệm sống. Đôi khi do tác động của môi trường xã hội không lành mạnh, ở các em xuất hiện những nhu cầu, hứng thú đọc lệch lạc, phiến diện. Sự lan tràn của sách, báo, văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta những năm gần đây đã có ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu và hứng thú đọc sách, báo của thiếu nhi. Đối với những nhu cầu lành mạnh, cần giúp các em lựa chọn những cuốn sách có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, đồng thời phù hợp với tâm lí lứa tuổi cũng như trình độ hiểu biết của các em. Đặc biệt chú trọng giới thiệu cho các em những tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc của Việt Nam và nước ngoài, những cuốn sách vừa có giá trị nội dung tư tưởng tốt vừa có giá trị nghệ thuật cao, những tác phẩm đã vượt thời gian và không gian đến với lứa tuổi thiếu nhi của nhiều thế hệ ở nhiều nước trên thế giới. Đối với những nhu cầu hứng thú đọc lệch lạc, thể hiện thị hiếu không lành mạnh, cần phải sử dụng các biện pháp khéo léo điều chỉnh theo hướng lành mạnh, đúng đắn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em đọc sách ở nhiều đề tài, nhiều thể loại bổ sung cho nhau, không hạn chế đóng khung trong một loại sách nhất định, đồng thời giúp các em biết đọc sách một cách có hệ thống, phát triển nhu cầu  hứng thú đọc của các em một cách  toàn diện, hài hòa.

  Rèn luyện và phát triển kĩ năng đọc. Kĩ năng đọc là thành tố quan trọng nhất trong cấu trúc văn hóa đọc. Kĩ năng đọc là khả năng hiểu, cảm thụ và lĩnh hội tác phẩm, biến tri thức, kinh nghiệm trong sách thành tri thức, kinh nghiệm của chính mình để có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo trong khi tiến hành các hoạt động sống khác nhau. Kĩ năng đọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tri thức, kinh nghiệm, năng lực và tính chất các quá trình tâm lí trong mỗi cá nhân - chủ thể của hoạt động đọc, đồng thời cũng là kết quả của quá trình rèn luyện lâu dài của chính họ.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lí đọc sách của thiếu nhi, khả năng cảm thụ sách của các em được thể hiện ở 3 mức độ chính:

- Mức thấp nhất: Nhớ được các chi tiết gây ấn tượng mạnh mà chưa hiểu được nội dung toàn vẹn của tác phẩm.

- Mức trung bình: Hiểu được nội dung tác phẩm (nhớ và kể lại được nội dung). Hiểu nội dung sách là mức độ cao hơn nhớ chi tiết sách.

- Mức cao nhất: Hiểu và rung động sâu sắc với nội dung tác phẩm, đồng thời biết đánh giá và vận dụng một cách sáng tạo những điều mình đã lĩnh hội được trong sách vào cuộc sống.

Một số công trình nghiên cứu xã hội học gần đây cho thấy hầu hết trẻ em Việt Nam ngày nay đều yêu thích đọc sách và có thể đọc ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng không phải em nào cũng biết cách đọc và có khả năng lĩnh hội đầy đủ các giá trị trong sách. Đa số bạn đọc thiếu nhi chỉ đạt mức độ trung bình trong việc cảm thụ sách: 70,94% nhớ nội dung. Tỷ lệ các em đạt trình độ cao trong cảm thụ sách, tức là hiểu và rung động sâu sắc với tác phẩm vẫn còn ở mức độ khiêm tốn: 29,87%. Vẫn còn một số lượng đáng kể các em có khả năng cảm thụ tác phẩm rất thấp: 17,21%. Ở mức độ cảm thụ thấp, các em chỉ nhớ những chi tiết gây ấn tượng mà không nắm được toàn vẹn nội dung tác phẩm, càng không hiểu được nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tăng cường giáo dục kĩ năng đọc ở mọi nơi, mọi lúc, từng bước nâng cao trình độ cảm thụ, lĩnh hội sách cho các em là một vấn đề cấp thiết ở nước ta hiện nay.

Hình thành phong cách ứng xử có văn hoá với sách báo. Sách báo là sản phẩm kết tinh các giá trị văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần của thế hệ ngày trước truyền lại cho thế hệ sau. Khi tiếp xúc với tri thức và tư tưởng trong sách chính là các em đã tiếp xúc với tri thức và tư tưởng- kết tinh sức lực, trí tuệ của cha anh, thế hệ trước. Chính vì vậy, cần giáo dục các em thói quen ứng xử có văn hóa với sách, báo; trân trọng và yêu mến sách báo: giữ gìn cẩn thận sách báo trong khi đọc, không gập gãy sách, bôi bẩn ra sách hay xé rách sách, có ý thức giữ gìn sách bền lâu để cho nhiều bạn khác được đọc cuốn sách mình yêu thích.

Ở tuổi thiếu nhi cơ thể các em chưa phát triển hoàn thiện, rất dễ bị biến đổi lệch lạc nếu không hướng dẫn các em cách đọc sách hợp vệ sinh. Hướng dẫn các em tư thế đọc sách thích hợp, đặt sách vừa tầm mắt, đọc ở nơi có đủ ánh sáng, ngồi đọc sách tại bàn có tầm cao thích hợp, không nằm khi đọc sách v.v... là biện pháp cần thiết giúp cho cơ thể các em phát triển hài hòa.

Giáo dục văn hóa đọc cho thiếu nhi có thể thực hiện thông qua việc hướng dẫn các em đọc sách một cách thường xuyên, bằng hệ thống phương pháp phong phú, đa dạng. Hệ thống phương pháp đó bao gồm hai nhóm phương pháp chủ yếu: nhóm phương pháp hướng dẫn cá biệt và nhóm phương pháp hướng dẫn thông qua hoạt động tập thể.

Nhóm phương pháp hướng dẫn cá biệt, tức là hướng dẫn từng em trong quá trình đọc sách bao gồm các phương pháp: mạn đàm giới thiệu sách, hướng dẫn sử dụng các công cụ tra cứu tìm tin trong các thư viện thiếu nhi, hướng dẫn lập kế hoạch đọc sách, hướng dẫn cách đọc hiểu và tóm tắt nội dung sách, cách ghi chép những cảm xúc, ấn tượng trong quá trình đọc sách, mạn đàm trao đổi về những điều đã đọc...

Nhóm phương pháp hướng dẫn đọc thông qua hoạt động tập thể bao gồm: kể chuyện theo sách, thi vui đọc sách, giới thiệu sách, liên hoan sách, vẽ tranh theo sách, triển lãm sách....

Tùy theo đặc điểm tâm sinh lí của từng em cũng như từng nhóm lứa tuổi cụ thể cần lựa chọn những phương pháp hướng dẫn đọc thích  hợp.

Để đạt hiệu quả cao trong giáo dục văn hóa đọc cho thiếu nhi, cần phải tiến hành hướng dẫn các em đọc sách thường xuyên, với nhiều hình thức kết hợp, bổ trợ cho nhau: giáo dục trong nhà trường, trong gia đình, trong các thư viện thiếu nhi, phối hợp với các tổ chức xã hội khác.

Gia đình có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan do hoàn cảnh sống đem lại, sự quan tâm chăm sóc và giáo dục của gia đình là yếu tố quan trọng nhất có tác động tới nhu cầu, hứng thú và khả năng cảm thụ sách của thiếu nhi. Kết quả điều tra phụ huynh của các em thư­ờng xuyên sử dụng sách tại thư­ viện cho thấy có tới 97,89% trả lời quan tâm tới việc đọc sách báo của con em mình và đánh giá cao tác dụng giáo dục của sách thiếu nhi.

Nhà trư­ờng là nơi tổ chức hoạt động học tập cho các em và có ảnh h­ưởng rất lớn tới quá trình phát triển của các em. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động h­ướng dẫn đọc sách giữa nhà trường và th­ư viện với các tổ chức xã hội khác trong việc lựa chọn hình thức h­ướng dẫn và nội dung các hoạt động hư­ớng dẫn tập thể… Các em sẽ được hư­ớng dẫn đọc thư­ờng xuyên, đồng thời đ­ược theo dõi, giám sát việc đọc một cách chặt chẽ bởi những 'chuyên gia' có kinh nghiệm và có uy tín cao - đó là các thầy cô giáo trong nhà trường.

Thư viện thiếu nhi với vốn sách báo thiếu nhi phong phú, đa  dạng, với đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục văn hóa đọc cho các em. Thư viện cũng là nơi có khả năng và điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động hướng dẫn đọc tập thể một cách có hiệu quả nhất.

Các tổ chức xã hội, các cơ quan, đoàn thể (hội phụ nữ, công đoàn, đoàn thanh niên, Uỷ ban chăm sóc và giáo dục trẻ em...) cũng có thể tham gia trực tiếp vào quá trình hư­ớng dẫn đọc cho các em, hoặc phối hợp chặt chẽ với các thư viện thiếu nhi tổ chức các phong trào thi đua đọc sách báo cho các em nhằm củng cố và phát triển nhu cầu đọc của lứa tuổi này.

Các cơ quan truyền thông đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền hình...) nên tăng c­ường quảng bá các hình thức tuyên truyền  giới thiệu sách đư­ợc tổ chức tốt trong th­ư viện cho bạn đọc thiếu nhi cả nư­ớc. Trong thực tế, một số địa phư­ơng đã thực hiện tốt sự phối hợp này: đài truyền hình Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần phát sóng các chư­ơng trình “Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách”, “Kể chuyện theo sách”, “ Kể chuyện đạo đức” của các em ở độ tuổi thiếu nhi... Những buổi phát sóng như­ vậy không chỉ lôi cuốn, hấp dẫn đông đảo thiếu nhi mà còn có tác dụng phổ biến kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ th­ư viện phục vụ thiếu nhi, các thầy cô giáo và cả các bậc cha mẹ trong việc hư­ớng dẫn các em đọc sách. 

Tuy nhiên, để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong quá trình hướng dẫn đọc cho các em, cần phải quán triệt một số nguyên tắc sau:

Tính vừa sức, thích hợp. Thiếu nhi đang trong quá trình phát triển về cơ thể, nhận thức và các đặc điểm tâm lí, còn ít kinh nghiệm sống. Nên định hướng cho các em lựa chọn những cuốn sách có nội dung thích hợp, dễ hiểu. Ví dụ, các em ở lứa tuổi nhi đồng có đặc điểm tư duy trực quan, hình tượng chiếm ưu thế trong quá trình nhận thức, vì vậy nên khuyến khích các em đọc truyện tranh, truyện ngắn... Lứa tuổi thiếu niên tư duy trừu tượng đă bắt đầu chiếm ưu thế, khả năng ngôn ngữ phát triển thường có hứng thú đọc truyện vừa, truyện dài... Không nên ép các em đọc những cuốn sách có nội dung tốt nhưng không phù hợp với tâm lí lứa tuổi.

Tri thức, kinh nghiệm các em lĩnh hội được trong sách sẽ  trở nên vững chắc nếu được bổ sung một cách thường xuyên, liên tục và hợp lí. Hướng dẫn các em lập kế hoạch đọc một cách có hệ thống, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp là biện pháp vô cùng quan trọng tạo cơ sở hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em.

Thời gian trao đổi, hướng dẫn đọc không nên kéo dài quá mức làm phân tán sự chú ý, gây ức chế cho các em. Đối với lứa tuổi nhi đồng do sức tập trung chú ý của các em chưa cao, mỗi buổi sinh hoạt, hướng dẫn đọc tập thể không nên kéo dài quá 30 phút. Với lứa tuổi thiếu niên, thời gian có thể kéo dài hơn, tuy nhiên cũng không nên quá 45 phút trong một buổi.

Tính trực quan, sinh động. Tư duy hình tượng, cụ thể có vai trò rất lớn trong quá trình nhận thức ở lứa tuổi thiếu nhi, đặc biệt chiếm ưu thế ở lứa tuổi nhi đồng. Thiếu nhi nhận thức thông qua hình ảnh trực quan sinh động có hiệu quả cao hơn thông qua các khái niệm trừu tượng. Cần triệt để tận dụng các hình thức trực quan, các màu sắc tươi sáng, sinh động... trong quá trình hướng dẫn các em đọc sách. Ví dụ, trong các buổi kể chuyện nhất thiết phải có tranh, hay hình ảnh minh họa kèm theo hỗ trợ cho các em cảm thụ sâu sắc hơn nội dung tác phẩm. Các buổi sinh hoạt, hướng dẫn đọc tập thể sẽ có tác dụng cao nhất nếu được biến thành một trò chơi sinh động, hấp dẫn các em.

Nét đặc biệt trong tâm lí lứa tuổi thiếu nhi là giàu cảm xúc, lạc quan, yêu thích sự công bằng. Đối xử dịu dàng, tình cảm với các em, tỏ rõ sự công bằng trong tiếp xúc, nhận xét đánh giá là con đường hữu hiệu hình thành văn hóa đọc cho lứa tuổi thiếu nhi.

Phát huy tính tích cực và sáng tạo. Tính tích cực, sáng tạo là một yếu tố cực kì quan trọng, là thước đo trình độ phát triển nhân cách của con người trong giai đoạn hiện nay. Lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn thuận lợi để hình thành và phát triển tính tích cực, sáng tạo, bởi lẽ tư duy trừu tượng đã bắt đ��u hình thành và phát triển ở giai đoạn lứa tuổi này. Mục đích của quá trình hướng dẫn đọc không chỉ là cung cấp cho các em sách tốt, sách hay mà còn là và chủ yếu là phát triển cá tính, năng lực sáng tạo của các em thông qua việc lĩnh hội tích cực, sáng tạo những kinh nghiệm, tri thức, chuẩn mực xã hội được trình bày thông qua sách báo thiếu nhi. Ví dụ, không chỉ nghe người lớn kể chuyện, các em có thể tự kể lại câu chuyện mình yêu thích, thậm chí tham gia thi kể chuyện hay giới thiệu sách do thư viện thiếu nhi hay nhà trường tổ chức. Tuy nhiên, những em tham gia kể chuyện theo sách phải trình bày được chính xác nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm, đồng thời phải thể hiện được cảm xúc và những rung động thực sự của người đọc và cũng là người kể. Người tham gia giới thiệu sách phải phân tích được giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, kèm theo những tiểu phẩm minh hoạ, phản ánh những đoạn trích tiêu biểu hoặc những chi tiết gây ấn tượng, nhằm lôi cuốn các em khác tìm đọc chính cuốn sách đó. Điều quan trọng nhất là chính các em phải thể hiện nội dung tác phẩm trong phần giới thiệu sách hay kể chuyện bằng ngôn ngữ và cảm xúc của chính mình. Người lớn có thể giúp đỡ các em, nhưng tránh can thiệp quá lộ liễu, hạn chế tính hồn nhiên, sinh động của lứa tuổi thiếu nhi, làm mất đi sự tự tin, sự sáng tạo còn tiềm ẩn trong tâm hồn các em.

Muốn nâng cao hiệu quả việc đọc sách của thiếu nhi cần tiến hành hư­ớng dẫn các em đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho các em ngay từ những năm tháng học tập trong nhà trường phổ thông. Giáo dục văn hóa đọc cho thiếu nhi là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, thư viện thiếu nhi và các tổ chức xã hội khác. Nếu đ­ược h­ướng dẫn chu đáo, thường xuyên, tuân theo những nguyên tắc khoa học, hợp lí thì hiệu quả việc đọc sách sẽ được nâng cao, sách báo sẽ thực sự trở thành ph­ương tiện giáo dục có ảnh hư­ởng tích cực tới sự hình thành và phát triển nhân cách ở lứa tuổi thiếu nhi.

PGS. TS. Trần Thị Minh Nguyệt, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Cùng chuyên mục

INTERNET VÀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC

Thứ Ba, 05/01/2021 | 09:36

Giờ đây, khái niệm và những ứng dụng của Internet đã không còn quá xa lạ với học sinh, giáo viên và nhân viên thư viện ở các trường học