Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Sách giáo dục bị in lậu, cuộc chiến chưa có hồi kết

Thứ Hai, 20/07/2020 | 16:05

Số lượt xem: 1760

Ngày 13-7-2020, Tổng cục Quản lí thị trường phối hợp với Cục Quản lí thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty Cổ phần dịch vụ Chính Nghĩa, có địa chỉ tại đường Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã phát hiện trong và ngoài xưởng của Công ty có 2.278 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và không có hợp đồng kèm theo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, ngày 9-7-2020, Tổng cục Quản lí thị trường và Cục Quản lí thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát có địa chỉ ở số 87 đường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ một lượng lớn ấn phẩm sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả tại kho hàng trên. Trong số những xuất bản phẩm trên, có khoảng 27.200 bản sách giáo khoa. Rất nhiều đầu sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị làm giả như sách giáo khoa các lớp, sách Tiếng Anh, sách tham khảo,...

Hiện các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

                             

                 Các lực lượng chức năng thu giữ kho sách giả ở 87 đường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội ngày 9-7-2020

Có thể thấy từ hai vụ việc trên và các vụ bắt giữ sách lậu nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã luôn tích cực trong công tác phòng chống nạn làm sách giả và in lậu, nhưng tình hình sách lậu, sách giả vẫn là vấn đề nhức nhối chưa được ngăn chặn và xử lí hiệu quả.  

Chỉ tính 10 năm trở lại đây, sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn bị in lậu ở khắp cả quốc. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng phát hiện 3-4 vụ in và phát hành sách lậu, trong đó có nhiều vụ in lậu với quy mô lớn. Với sự phát triển của công nghệ, các cuốn sách giả được làm rất tinh vi, rất khó phân biệt. Sách giả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các đơn vị xuất bản mà còn gây hại đến sự nhận thức của học sinh. Sách giả thường có nhiều sai sót kiến thức, nét chữ mờ, sai màu sắc,...

Trong các sản phẩm giáo dục, thì các loại sách bị in lậu chủ yếu là sách tiếng Anh, sách bài tập, sách tham khảo,... nhưng hầu như rất ít sách giáo khoa phổ thông. Bởi giá sách giá sách giáo khoa hiện hành so với mặt bằng các loại sách khác là rẻ nên việc in lậu không đem lại lợi nhuận cao.

Một số đầu sách của NXBGD Việt Nam bị in lậu những năm gần đây

Nhưng từ năm học 2020-2021 trở đi, khi các bộ sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dần được đưa vào giảng dạy theo từng cấp học thì đây sẽ là miếng mồi béo bở cho các đối tượng in lậu, bởi sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành. Các đối tượng in lậu không phải trả các chi phí tổ chức bản thảo, chi phí bản quyền tác giả, không phải nộp thuế, vật tư sử dụng chất lượng thấp,... nên sách lậu có giá thành rất thấp nhưng giá lại bán như sách thật nên luôn cho siêu lợi nhuận. Nếu không ngăn chặn được điều này thì những tác hại đối các đơn vị làm sách, với giáo viên và học sinh sẽ không nhỏ khi nhu cầu sử dụng sách giáo khoa trong trường học là rất lớn.

Các biện pháp về kĩ thuật (tem chống giả, tem code, thẻ cào,...), kinh tế (hạ giá thành), tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác truyền thông... đã được các NXB áp dụng, hạn chế phần nào nạn sách giả, sách lậu. Nhưng điều mấu chốt vẫn là cần tăng cường các khung hình phạt. Hiện tại, theo điều 344, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017) đã có quy định cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính, nhưng thực tế tỉ lệ xử lí hình sự còn thấp mà chủ yếu là xử lí phạt hành chính (từ 20 triệu đến 200 triệu đồng). Như vậy, nếu xử phạt hành chính với số tiền tối đa chỉ 200 triệu đồng, so với lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu hàng chục lần thì các đối tượng sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục hành vi làm sách giả, sách lậu. Ngoài ra, điều này mới chỉ chế tài đối với hành vi in lậu mà chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả.

Sách được coi là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy việc làm sách và tiêu thụ sách giả cần phải được coi là “Tội sản xuất, buôn bán hàng giảvà áp dụng khung hình phạt tương thích với tội danh này. Có vậy mới đủ sức răn đe đối với các đối tượng làm sách giả, sách lậu.

Ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác với sách giả. Nếu người tiêu dùng phát hiện các cơ sở in, bán sách lậu có thể phản ánh với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Ban Tuyên truyền - TVTH

Cùng chuyên mục

Sách giáo khoa mới: “Chất liệu” giúp phẩm chất và năng lực học sinh phát triển

Thứ Năm, 28/03/2024 | 14:52

Đó là một trong những nội dung được PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về các bộ sách giáo khoa.

Lĩnh 3 năm tù vì buôn bán sách giả

Thứ Năm, 28/03/2024 | 08:15

Ngày 26/3, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xét xử bị cáo Vũ Thị Hòa (SN 1983) về tội "Buôn bán hàng giả".

Định hướng nghề cho học sinh thông qua trải nghiệm

Thứ Ba, 26/03/2024 | 09:00

Sách giáo khoa Công nghệ 9 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cung cấp 3 module nghề nghiệp ở 3 nhóm nghề lớn, đa dạng hoá trải nghiệm học sinh.

Âm nhạc 5 - Xây đắp tình yêu với môn học

Thứ Hai, 25/03/2024 | 08:00

Môn âm nhạc ở bậc Tiểu học giúp học sinh Việt Nam có nền tảng, hành trang văn hóa và sự tự tin của những công dân toàn cầu.